Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm Thìn về với địa danh mang tên rồng

11:01, 18/01/2012

19 giờ (giờ GMT) ngày 11-11-2011, tức 2 giờ sáng 12-11 giờ Việt Nam, trên trang web của Tổ chức New7Wonders đã công bố kết quả kiểm phiếu ban đầu các địa danh được bầu chọn là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Vịnh Hạ Long - một địa danh mang tên rồng nằm trong top 7. Cùng với vịnh Hạ Long còn có rừng Amazon ở Nam Mỹ; thác nước Iguazu ở Argentina và Brazil; đảo Jeju của Hàn Quốc; sông ngầm vườn quốc gia Puerto Princesa của Philippines; đảo Komodo thuộc Indonesia và núi Table của Nam Phi.

19 giờ (giờ GMT) ngày 11-11-2011, tức 2 giờ sáng 12-11 giờ Việt Nam, trên trang web của Tổ chức New7Wonders đã công bố kết quả kiểm phiếu ban đầu các địa danh được bầu chọn là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Vịnh Hạ Long - một địa danh mang tên rồng nằm trong top 7. Cùng với vịnh Hạ Long còn có rừng Amazon ở Nam Mỹ; thác nước Iguazu ở Argentina và Brazil; đảo Jeju của Hàn Quốc; sông ngầm vườn quốc gia Puerto Princesa của Philippines; đảo Komodo thuộc Indonesia và núi Table của Nam Phi.

Còn nhớ, di tích quốc gia vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Lần một vào ngày 17-12-1994, vịnh Hạ Long được công nhận về giá trị thẩm mỹ. Ngày 2-12-2000, vịnh được công nhận về giá trị địa chất, địa mạo. Vịnh Hạ Long có bờ biển dài 120km, rộng 1.553km2 với 1.969 hòn đảo nhỏ. Một số đảo rỗng với các hang động lớn, các đảo khác là nơi sinh sống của ngư dân. Nơi đây có đến 200 loài cá và 450 loại động vật thân mềm. 

Vịnh Hạ Long.
Vịnh Hạ Long.

Vịnh Hạ Long, ở về phía Đông Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 165km. Tên “Vịnh Hạ Long” có nghĩa là “Vịnh Rồng Xuống”. Người dân Hạ Long kể lại rằng: “Ngày xưa, khi người Việt mới lập nước, trong một lần nước Việt bị giặc ngoại xâm, trời sai rồng mẹ mang theo một đàn rồng con xuống giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ biển cả ào ạt tấn công vào bờ, thì đàn rồng cũng hạ giới. Đàn rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc. Những châu ngọc ấy thoắt biến thành muôn đảo đá màu ngọc thạch, chỗ kết lại như bức tường thành, chỗ dàn ra trận địa, chặn bước tiến quân của giặc, tạo điều kiện cho người Việt Nam chiến thắng. Sau khi giặc tan, rồng mẹ, rồng con không trở về thiên đình nữa, mà ở lại trần gian, nơi vừa diễn ra trận chiến đấu. Chỗ rồng mẹ xuống là Hạ Long. Chỗ rồng con xuống là Bái Tử Long. Đuôi của đàn rồng quẫy lên trắng xóa là Long Vĩ, tức bán đảo Trà Cổ ngày nay với bãi cát mịn, dài hàng chục cây số. Như vậy, tên Hạ Long có từ lâu đời trong dân gian. Người đầu tiên đặt cho vùng vịnh đảo xinh đẹp cái tên thơ mộng ấy không ai ngoài dân gian. Bên cạnh vịnh lớn mang tên “Rồng Xuống”, nhiều đảo, núi trong vịnh cũng mang tên đầu rồng, đuôi rồng, như: Hòn Rồng, Đảo Long Châu, thôn Cái Rồng (đảo Kế Bào)... Hạ Long đẹp không chỉ ở dáng núi, ở sắc nước, màu trời mà còn đẹp cả trong nội dung tên gọi.

Hòn Trống Mái.
Hòn Trống Mái.

Vịnh Hạ Long là tác phẩm nghệ thuật tạo hình kỳ lạ của tạo hóa, kết hợp tinh tế giữa điêu khắc và hội họa, giữa tính hoành tráng, khỏe khoắn với sự duyên dáng, thơ mộng. Nhưng Hạ Long không phải là tác phẩm nghệ thuật tĩnh, mà luôn luôn biến đổi về tạo dáng và màu sắc theo thời gian và góc nhìn, tạo nên trong giây lát những cảnh sắc khác thường, khiến cho du khách ngỡ ngàng, bối rối. Hạ Long là vùng biển duy nhất ở Việt Nam, trên diện tích không rộng, mọc lên hàng ngàn hòn đảo với vô số hình dáng kỳ dị khác nhau. Các đảo núi ấy quần tụ trên hai vùng biển lớn: Một vùng là phía Nam và Tây Nam vịnh, vùng kia là phía Đông vịnh. Ở giữa hai vùng đảo núi, là trũng biển rộng hình cánh quạt, không có đảo núi xen kẽ, dường như tạo hóa muốn dành cho du khách một tầm nhìn bao quát để chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên. Đi giữa Hạ Long với hàng ngàn đảo đá lớn nhỏ, nhiều hình dáng, ta có cảm giác như đi giữa một thế giới động vật trải qua hàng triệu năm hóa đá với những tên gọi kỳ thú. Trên các đảo đá, thảm thực vật lùn, lá nhỏ phủ màu xanh mượt mà lên tới đỉnh. Không có gì thú vị hơn bằng đi trên con thuyền buồm khe khẽ nhích lướt, len lỏi ngắm nhìn rừng đảo huyền bí của Hạ Long. Từ Bãi Cháy qua vịnh Hòn Gai, hướng tới vùng biển đảo phía Nam và Tây Nam, trông xa ngỡ một bức tường thành ngăn khơi với lộng. Nhưng đến gần, bức tường thành như đột ngột rạn vỡ, những ngõ ngách quanh co hiện ra trước mắt, luồn lách qua bức tường thành. Ta ngỡ ngàng trước cảnh vật thơ mộng. Cảnh vật của biển đảo Hạ Long thoắt ẩn, thoắt hiện, với sự biến đổi chừng như giây lát đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, say đắm. Vùng biển đảo phía Đông vịnh là nơi quần tụ những quả núi kỳ lạ như là hiện thân của sự sống sôi động trong thời kỳ chỉ có những động vật khổng lồ ngự trị cách hàng triệu năm trước. Nơi này là ông cụ trầm ngâm hay người vợ trông chồng. Nơi kia là loài vật trong dáng đứng yên hoặc bơi lội. Rồi hòn Oản, Quả Chuối, hòn Đũa, hòn Cái Bút... Nhưng sự kỳ lạ của những quả núi Hạ Long không chỉ là sự ẩn hiện của sự sống muôn loài, dưới cái vẻ lạnh lùng, vô tri của đá, mà còn là cái biến ảo khôn lường của những quả núi ngỡ có ma thuật.

Mùa xuân, khi những thảm thực vật quanh bờ Hạ Long rộn ràng, trổ chồi non, thì vịnh trở thành một thế giới huyền ảo của thiên nhiên. Buổi sớm xuân ở Hạ Long, đảo chập chờn trong màn sương bạc mông lung. Các đỉnh đảo xanh đen lẫn trong màn sương, lúc ẩn, lúc hiện, thấp thoáng, bồng bềnh trôi nổi. Những ngọn núi đá vốn vững chãi, gồ ghề, thô ráp, bỗng trở nên mềm mại, thanh tú, uyển chuyển khác thường như được vẽ bằng những nét bút lông chấm phá. Khi mặt trời lên cao, sương trên mặt vịnh tan dần, chỉ còn lại màng mỏng di động trên các đỉnh đảo. Đảo hóa thành những Ông Tiên tóc trắng ngồi trầm ngâm trên mặt vịnh biếc xanh, bóng đổ ngoằn ngoèo xuống đáy vịnh ngỡ như đảo đá có rễ. Mùa hè ở vịnh Hạ Long là mùa gió nồm nam. Ngọn gió vô tận thổi từ đại dương, vượt qua lớp lớp đảo núi, mang vào đất liền cái mát lành của biển cả. Vào mùa hè, nghỉ ở khu du lịch Bãi Cháy, ta sẽ tận hưởng ngọn gió mát rượi của Hạ Long không ngừng thổi. Du khách bốn phương lũ lượt đổ về Hạ Long, nghỉ ở Bãi Cháy hay Trà Cổ, là để đón gió và tắm biển. Thuyền đánh cá, sau một đêm vật lộn với biển cả, lách qua rừng đảo phía Nam, ùa về các bến bãi. Buồm trắng, nâu, đỏ căng phồng gió sớm, rực rỡ tựa những đóa hoa đầy hương sắc. Cảnh mặt trời mọc trên vịnh Hạ Long thật là ngoạn mục. Du khách nào lần đầu tiên đến Hạ Long mà không háo hức được chứng kiến giờ phút “trở dạ” của trời đất diễn ra ở Hạ Long.

Năm Nhâm Thìn 2012 này, với sự vinh danh mới, vịnh Hạ Long - địa danh mang tên rồng nhất định sẽ có cơ hội thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thăm. Nghĩ về vịnh Hạ Long, nghĩ về một địa danh mà tên con rồng thiêng hiện hữu nơi nơi, ta bất chợt nhớ đến những lời thơ của thi sĩ Xuân Diệu ngày nào: “Ta chào ngươi, Hạ Long nghìn vạn đảo/ Vạn hòn gieo trên sóng nước trập trùng:/ Bia biển trời với đá xinh kỳ ảo/ Dựng muôn đời ca vẻ đẹp non sông!/ Ta vào Hạ Long hồn diễm lệ/ Trải tung ra, quăng lưới bắt muôn trùng/ Đảo gọi đảo, bể lượn rồng giữa bể/ Ta ngả chào vừng non nước Hạ Long!/ Đây bản thảo tạo vật còn nặn dở/ Núi, đảo, mây - đá cùng sóng ngổn ngang/ Đá thuở trước khổng lồ chơi ném thử/ Cây trên mình còn hương vị hồng hoang/ .../ Ôi bao nhiêu, bao nhiêu hào khí đẹp/ Áo Hạ Long Tổ quốc mặc oai hùng!/ Mắt ngắm mãi. Lòng hãy còn kinh ngạc/ Tàu ta qua rồi, đẹp vẫn mênh mông...” (Chào Hạ Long - Xuân Diệu - 1959).

Nguyễn Thị Thọ

 

 

Tin xem nhiều