Báo Đồng Nai điện tử
En

HOA SEN trong tâm thức người Việt Biên Hòa - Đồng Nai

10:01, 17/01/2012

Thành tựu nổi bật của khảo cổ học Đồng Nai năm 2011, đó là những khám phá bí ẩn trong ngôi mộ hợp chất Cầu Xéo, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có niên đại 270   40 BP (năm 1680), xưa nhất trong các di tích mộ hợp chất hiện biết ở Nam bộ. Ngoài những giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều điểm rất độc đáo lần đầu tiên được biết đến ở Việt Nam trong nghệ thuật ướp xác của người Việt.

Thành tựu nổi bật của khảo cổ học Đồng Nai năm 2011, đó là những khám phá bí ẩn trong ngôi mộ hợp chất Cầu Xéo, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có niên đại 270   40 BP (năm 1680), xưa nhất trong các di tích mộ hợp chất hiện biết ở Nam bộ. Ngoài những giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều điểm rất độc đáo lần đầu tiên được biết đến ở Việt Nam trong nghệ thuật ướp xác của người Việt.

Việc phủ dày lá sen trên thi hài người quá cố là điều chưa từng thấy trong các mộ hợp chất đã khai quật trước đây, gợi lên nhiều câu hỏi thảo luận sôi nổi của những người mục kích. Có người nghĩ rằng, việc đắp lá sen nhằm góp phần “giữ xác” lâu phân hủy như gợi ý của GS.TS Đỗ Tất Lợi, bác sĩ Quan Thế Dân và các nhà dược liệu học khác về tác dụng của lá sen (hà diệp) dùng trong y học cổ truyền Việt Nam từ lâu đời.

Có người giải thích theo ý nghĩa tâm linh liên quan đến tín ngưỡng coi lá sen có tác dụng “an thần”, vỗ về giấc ngủ nghìn thu của người quá cố. Ngoài tác dụng khoa học khả dĩ ấy, chúng tôi liên tưởng đến “liên hoa” trong tám biểu trưng giáo Phật (cùng với xa luân, liên, loa, thiên cái, bảo cái, bảo bình, song ngư) và “bát bửu” có thể hàm chứa ý nghĩa giúp người quá cố hướng đến cõi Tịnh độ với hạnh phúc an vui vĩnh hằng, chứ không bị cái chết ngắt đoạn như đời “bể khổ”. Mối liên tưởng về niềm tin siêu hình xa vời cũng là giả thiết đẹp về những gì người đang tại thế ước mơ cho người “thác về” vĩnh hằng an nghỉ.

Lá sen phủ kín thi hài trong quan tài gỗ Cầu Xéo.
Lá sen phủ kín thi hài trong quan tài gỗ Cầu Xéo.

Sen (danh pháp khoa học “Nelumbo nucifera” (Gaertn.) còn gọi trong các thư tịch Phật giáo và văn học Việt là hà hoa (荷花), liên (hoa) (蓮(花)), hạm đạm (菡萏), phù cừ (芙蕖), thủy chi (水芝). Vào thời cổ đại, sen mọc phổ biến ở Ai Cập, được cư dân sùng kính gọi là “hoa sen xanh linh thiêng sông Nin” (Nymphaea caerulea) và sử dụng nó trong các nghi thức tế lễ, họa khắc hình ảnh trên các kiến trúc linh thiêng. Sen phổ cập ở cả Ba Tư, Trung Quốc, Việt Nam, cũng là quốc hoa của Ấn Độ, Ai Cập, Sri Lanka...

Sen có nhiều công dụng trong sinh hoạt ẩm thực (thân rễ - ngó sen, hạt) và trong y học truyền thống Đông phương thường dùng làm đa vị thuốc: Liên tâm (mầm quả - Plumula Nelumbinis), Liên thạch (quả chín - Fructus Nelumbinis) và Liên nhục (hạt còn màng đỏ ngoài - Semen Nelumbinis), Liên tu (nhụy đực sen - Stamen Nelumbinis), Liên ngẫu (ngó và củ sen - Rhizoma Nelumbinis), Liên phòng (gương sen đã lấy hạt) có công năng bổ tỳ, bổ thận, sáp tinh, dưỡng tâm, an thần, chủ trị khí hư, lỵ mãn tính, di mộng tinh, đới hạ, mất ngủ, kém ăn, cơ thể suy nhược, bạch đới, huyết áp cao và thanh nhiệt. Riêng lá sen (Liên diệp - Folium Nelumbinis) có đặc điểm không thấm nước và ứng dụng trong khoa học vật liệu gọi là “hiệu ứng lá sen”, để chế tạo các bề mặt tự làm sạch và cũng dùng để an thần và cầm máu xuất huyết …

Cùng với những bí ẩn khác trong ngôi mộ, chứng tỏ người Việt vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cách nay 300 năm đã am tường về nghệ thuật ướp xác và nữ quý tộc trong ngôi mộ vốn  có công lớn trong khẩn hoang lập làng và kiến tạo các công trình văn hóa làng xã, nên khi trở về với Tổ tiên đã chiếm được tình cảm sâu nặng của cả cộng đồng, và đặc biệt kỷ vật mang theo chỉ đơn giản là bộ ngoáy trầu được dùng thường nhật lúc sống. Có thể nói, đây là những tư liệu khoa học cực quý ẩn chứa không ít “thông điệp” xưa về tri thức dược liệu dân gian và cả về văn hóa tâm linh Việt đã thất truyền vì các tính chất chung của chúng có thể sát trùng, chiết suất lấy tinh dầu thơm phải chăng để phục dịch cho sự yên nghỉ trong “ngôi nhà vĩnh hằng” nơi “vạn niên cát địa” và mong cầu siêu thoát linh hồn người quá cố

Ngoài hoa sen, hoa cúc là họa tiết trang trí quan trọng trong kiến trúc mộ hợp chất Cầu Xéo. Trong ảnh: Hoa cúc tấm vải thiêng phủ trên quan tài gỗ Cầu Xéo.
Ngoài hoa sen, hoa cúc là họa tiết trang trí quan trọng trong kiến trúc mộ hợp chất Cầu Xéo. Trong ảnh: Hoa cúc tấm vải thiêng phủ trên quan tài gỗ Cầu Xéo.

Sen trong mộ hợp chất Cầu Xéo góp thêm một cái nhìn tổng quan về hoa sen từ nhiều hướng: sen trong nghi lễ thờ cúng; sen trong tạo dựng kiến trúc chùa Một Cột; sen trong mỹ thuật truyền thống người Việt (trên các cổ vật của thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn...); các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tạo hình sen; công dụng của sen trong văn hóa ẩm thực..., và nhất là Đề án Quốc hoa Việt Nam cho thấy hoa sen luôn vượt qua hoa mai, hoa đào... để chiếm vị trí đầu bảng với đầy đủ các tiêu chí: Hoa có nguồn gốc được trồng lâu đời tại Việt Nam, loài hoa tiêu biểu, dễ trồng, dễ phát triển ở nhiều vùng đất nước; thể hiện được bản sắc văn hóa, cốt cách tinh thần dân tộc; hoa bền đẹp về hình thức, có sắc màu và có hương thơm; hoa được sử dụng nhiều làm hình tượng trong văn học - nghệ thuật; có giá trị sử dụng cao, mang lại lợi ích về nhiều mặt; được nhiều người yêu thích sử dụng và tôn vinh.

Hạ Giao

 

 

Tin xem nhiều