Báo Đồng Nai điện tử
En

Đam mê thổi bùng thương hiệu

03:01, 19/01/2012

Mỗi người một lĩnh vực, nhưng họ có chung một điểm là niềm đam mê, lòng kiên trì và sự quyết tâm. Họ đi tiên phong và tạo ra những khác biệt cho sản phẩm của mình. Mỗi ông chủ doanh nghiệp (DN) là một câu chuyện lý thú.

Mỗi người một lĩnh vực, nhưng họ có chung một điểm là niềm đam mê, lòng kiên trì và sự quyết tâm. Họ đi tiên phong và tạo ra những khác biệt cho sản phẩm của mình. Mỗi ông chủ doanh nghiệp (DN) là một câu chuyện lý thú.

1.  “KHÁT” NẮNG

Đến nay được 10 năm, song rất ít người biết đến cái tên Công ty TNHH Gia Nam (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), nhưng sản phẩm của DN thì được nhiều người biết tới. Từ Đà Nẵng trở vào đến Cà Mau và ra tận ngoài đảo Phú Quốc, cái tên máy nước nóng và pin mặt trời Megasun đã chiếm được lòng rất nhiều khách hàng. Hơn 10 năm trước, khi tốt nghiệp đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, anh Bùi Văn Nam (Giám đốc Công ty Gia Nam) đi tu nghiệp tại Nhật Bản. Nhận thấy trên đất nước hoa anh đào này nắng không nhiều nhưng người Nhật khai thác rất hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời. Nghĩ tới quê mình quanh năm có nắng, nhất là 6 tháng mùa khô nắng chan hòa anh tiếc hùi hụi. Khi về nước, anh Nam quyết định bước vào lĩnh vực chinh phục năng lượng mặt trời để thỏa cơn “khát” nắng.

Anh Bùi Văn Nam bên tấm bảng pin mặt trời, sản phẩm mà anh kỳ vọng nhiều trong tương lai.
Anh Bùi Văn Nam bên tấm bảng pin mặt trời, sản phẩm mà anh kỳ vọng nhiều trong tương lai.

Những năm 2002 - 2005, rất ít người biết đến máy nước nóng năng lượng mặt trời, nhiều người còn lầm tưởng là… giường điện từ! Khi ấy, hầu hết các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh anh Nam đều đưa sản phẩm đi giới thiệu. Cả một năm trời tham gia hội chợ ở khắp nơi, giới thiệu đến lạc cả giọng nhưng chỉ bán được 2 chiếc máy, so với chi phí bỏ ra thì lỗ. Nhân viên ai cũng ngao ngán, nhưng chỉ có mỗi ông chủ vẫn hừng hực quyết tâm. Sở dĩ anh kiên trì đi theo các hội chợ bởi suy nghĩ đây là sản phẩm mới phải giới thiệu cho mọi người biết. Môi trường hội chợ thích hợp nhất để khách thấy tận mắt và được giải đáp mọi thắc mắc về sản phẩm. Và rồi, những hy vọng của anh đã thành hiện thực. Trong sản xuất, anh nghiên cứu khá kỹ từng dòng sản phẩm cho các vùng khác nhau, như vùng núi, vùng biển để sản phẩm của mình đạt chất lượng cao nhất. “Ở vùng biển, gió mang theo hơi nước mặn, nếu không có hàng dành riêng cho vùng này thì chỉ một thời gian ngắn là máy bị hư hỏng, lúc ấy DN lại mang tiếng là sản xuất hàng dỏm” - anh Nam chia sẻ.

Máy nước nóng năng lượng mặt trời nhãn hiệu Megasun hiện đã được sử dụng nhiều cho ngành công nghiệp.
Máy nước nóng năng lượng mặt trời nhãn hiệu Megasun hiện đã được sử dụng nhiều cho ngành công nghiệp.

Máy nước nóng mang nhãn hiệu Megasun hiện không chỉ cho dân dụng mà đã bước sang cả ngành công nghiệp. Đến nay, những máy nước nóng Megasun có công suất khổng lồ 30 ngàn lít cũng đã được nhiều DN trong và ngoài tỉnh lắp đặt để phục vụ sản xuất. Mỗi năm có trên 6.000 sản phẩm mang nhãn hiệu Megasun xuất xưởng cung cấp cho thị trường. Ông chủ trẻ Bùi Văn Nam đang nối tiếp giấc mơ của mình là phát triển điện năng lượng mặt trời.

2. GÀ ... QUÓC TẾ

Mấy tháng cuối năm 2011, dư luận xôn xao chuyện một trại gia cầm ở huyện Trảng Bom có gà đạt chất lượng… quốc tế (đạt chứng nhận toàn cầu - Global GAP). Đó là sản phẩm gà giống của Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh, đóng tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom. Sau một năm rưỡi xây dựng quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, đặc biệt đối với quy trình sản xuất gà giống, ngày 13-10-2011, ông chủ trại gà Bình Minh Dương Anh Tuấn mới thở phào nhẹ nhõm khi được Công ty Control Union Vietnam trao chứng nhận Global GAP cho sản phẩm gà giống của mình. Công ty chăn nuôi Bình Minh là DN đầu tiên của Việt Nam và cũng là công ty đầu tiên của châu Á đạt chứng nhận Global GAP cho gia cầm.

Dương Anh Tuấn, ông chủ những trại gà quốc tế đầu tiên của Việt Nam.
Dương Anh Tuấn, ông chủ những trại gà quốc tế đầu tiên của Việt Nam.

Năm 1997, khi đang làm việc ở Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Bộ KH-CN), anh Tuấn chuyển sang lĩnh vực chăn nuôi. Kiến thức về chăn nuôi lúc đó của anh bằng không nên khởi đầu khá vất vả. Nhưng rồi sự đam mê về chăn nuôi đã giúp anh vượt qua được rào cản này. Từ 2.000 con gà ban đầu, anh đã phát triển lên vài chục ngàn con. Năm 2003, dịch cúm gia cầm hoành hành khiến trại gà của anh cũng tơi tả, dù gà không bị nhiễm bệnh. Nhìn hơn 30 ngàn con gà bị tiêu hủy chủ trại thất thần, nhiều ngày mất ăn, mất ngủ. Cũng may, lệnh tiêu hủy gia cầm được dừng khi trong trại gà của anh còn lại một ít. Gầy dựng lại từ số gà may mắn thoát chết đó, anh Tuấn đã vực dậy được trại gà của mình sau biết bao ngày lao tâm khổ trí.

Một góc trại gà giống của Công ty chăn nuôi Bình Minh.
Một góc trại gà giống của Công ty chăn nuôi Bình Minh.

Cũng từ bài học xương máu đó mà anh nghĩ đến việc chăn nuôi phải đảm bảo an toàn sinh học. Các trại gà của Bình Minh bắt đầu được đầu tư hiện đại dần, đặc biệt là trại gà giống. Anh Tuấn cho biết, để xây dựng được thương hiệu thì DN buộc phải đầu tư bài bản. Chỉ tính vốn đầu tư cho 6 dãy chuồng gà giống của Bình Minh cũng không hề nhỏ. “Đầu tư để sản xuất con giống là rất tốn kém, mỗi dãy chuồng xây dựng  khoảng 3 tỷ đồng. Tiền con giống cùng với một số vật dụng cũng tương đương với số tiền đó. Tính ra, phải bỏ số vốn trên 6 tỷ đồng/dãy chuồng” -  Giám đốc Tuấn nói.

Hiện tại, đàn gà bố mẹ của DN có trên 60 ngàn con để sản xuất giống cho các hộ chăn nuôi gia công của Bình Minh ở Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Mỗi tuần DN xuất ra thị trường khoảng 100 ngàn con gà thịt. Việc thực hiện Global GAP trong chăn nuôi cũng không đơn giản, từ chế độ chăm sóc gà cho đến xử lý môi trường, sử dụng nguồn lao động… đều rất nghiêm ngặt.

Chủ trại gà giống quốc tế này cũng cho biết thêm, thời gian tới sẽ nâng tổng đàn giống lên và xây dựng phương án làm Global GAP cho gà thương phẩm ở các trại gia công.

3.  GIỮ TIẾNG QUÊ

Đầu năm 2011, một DN từ Pháp lặn lội vào xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất xem quy trình sản xuất và chế biến nấm mèo của Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng - Nutriworld để nhập hàng. Và, đến giữa năm lại thêm một công ty từ xứ sở hoa anh đào tìm đến mua hàng. Mới bước chân vào lĩnh vực này được 3 năm nhưng sản phẩm của DN cũng đã “lấy lòng” được cả những thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản. Mỗi năm, Nutriworld xuất khẩu trên 700 tấn nấm mèo các loại, trong đó hơn 90% được chế biến thành nấm xắt sợi, nấm băm vụn và nấm ép vỉ. Đây được xem là DN tiên phong trong việc nâng cao giá trị cho nấm. Anh Nguyễn Tấn Phú, Giám đốc công ty cho biết, nấm thô bán chỉ khoảng 60 ngàn đồng/kg nhưng khi được chế biến thì giá tăng hơn gấp đôi.

Giám đốc Nguyễn Tấn Phú đang kiểm tra sản phẩm nấm tại xưởng sản xuất.
Giám đốc Nguyễn Tấn Phú đang kiểm tra sản phẩm nấm tại xưởng sản xuất.

Học xong đại học, anh Phú đi làm cho DN nước ngoài, đã lên đến chức trợ lý tổng giám đốc, hưởng mức lương khá cao nhưng rồi anh cũng dứt áo ra đi để về quê thành lập DN. Sở dĩ anh chọn quê nhà lập nghiệp bởi nhìn thấy điều “bất công” với cây nấm ở quê mình. Nằm giữa vùng trồng nấm có tiếng (Long Khánh, Thống Nhất và Trảng Bom) nhưng sản phẩm chỉ bán loanh quanh trong nước, có xa lắm thì cũng bán được cho mấy DN Trung Quốc để họ đưa về chế biến xuất đi các nước khác. Anh Phú tâm sự: “Nhìn việc DN Trung Quốc mua nấm của mình với giá thấp rồi về chế biến bán được giá hơn gấp đôi thấy cũng xót. Thời gian qua cũng có một số DN Trung Quốc đặt vấn đề cung cấp sản phẩm cho họ nhưng tôi không nhận. Hiện nay thị trường châu Âu và Nhật  chuộng nấm mèo Việt Nam hơn nấm Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội để mình giới thiệu sản phẩm của quê mình ra nước ngoài”. Ở châu Âu, sản phẩm của Nutriworld đã bán được ở 2 nước là Pháp và Đức; châu Á có Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Campuchia. Sâu trong tâm khảm, anh Phú luôn muốn giữ gìn được cái tiếng cho những làng nấm quê mình.

Giám đốc Nguyễn Tấn Phú
Giám đốc Nguyễn Tấn Phú

Khắc Giới

 

 

Tin xem nhiều