Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuân về trên đảo Bà Hương

03:01, 18/01/2023

Đảo Bà Hương (thuộc ấp 1, xã Thanh Sơn, H.Định Quán) là một trong 76 đảo ở lòng hồ Trị An và đã hình thành cộng đồng dân cư từ rất sớm. Dù trải qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng người dân nơi đây vẫn quyết tâm bám trụ để vươn lên.

Đảo Bà Hương (thuộc ấp 1, xã Thanh Sơn, H.Định Quán) là một trong 76 đảo ở lòng hồ Trị An và đã hình thành cộng đồng dân cư từ rất sớm. Dù trải qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng người dân nơi đây vẫn quyết tâm bám trụ để vươn lên.

Đảo Bà Hương nhìn từ lòng hồ Trị An. Ảnh: T.NHÂN
Đảo Bà Hương nhìn từ lòng hồ Trị An. Ảnh: T.NHÂN

Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đơn vị quản lý hồ Trị An, cùng sự nỗ lực không ngừng của người dân, đời sống trên đảo Bà Hương đã dần cải thiện rõ nét. Cuộc sống của bà con sung túc hơn trong những mùa xuân gần đây.

* Mảnh đất tình người

Từ bến Đồng Trường (TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu), chúng tôi theo tàu làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ hồ Trị An của lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn) đến thăm đảo Bà Hương. Sau hơn 2 giờ vượt sóng ra khơi, chúng tôi cũng đã đến nơi. Đảo rộng khoảng 3ha, nằm giữa biển hồ mênh mông nước. Cảnh quan trên đảo còn mang nét đẹp hoang sơ, yên bình. Đặc biệt, đảo nằm ở vị trí rất thuận lợi để ngắm cảnh vào lúc bình minh và chiều tối.

Dịp cuối năm, người dân trên đảo bận rộn hơn để có thêm thu nhập chuẩn bị đón Tết cổ truyền với mong muốn được trọn vẹn, sung túc. Ngoài nghề chính là đánh bắt thủy sản, bà con còn tăng gia sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt như: gia đình bà Trần Thị Niễm (64 tuổi) làm nghề đan lợp tép; gia đình ông Nguyễn Văn Rô (60 tuổi, Tổ trưởng phụ trách cộng đồng dân cư trên đảo) chăn nuôi ba ba; gia đình ông Võ Văn Hùng đầu tư chăm sóc vườn cây ăn trái…

Trước đây, đảo Bà Hương có trên 50 hộ với khoảng 300 nhân khẩu sinh sống nhưng số lượng về sau có biến động. Nhiều hộ làm ăn, dành dụm được số vốn nên đã đi vào đất liền, chọn cuộc sống mới. Hiện trên đảo chỉ còn khoảng 9 hộ với trên 40 nhân khẩu.

Bà Trần Thị Niễm cho hay, hồi trước, người dân đến đảo lập nghiệp với 2 bàn tay trắng nên cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Họ phải dựng lều tạm để có chỗ che mưa, che nắng rồi hằng ngày chèo thuyền ra hồ đánh bắt cá đổi gạo lo bữa ăn từng ngày.

“Những năm tháng đó nghèo lắm, đến nỗi 3 ngày Tết mà trong túi không còn tiền. Nhìn các con tội quá, tôi mới năn nỉ người ta cho vay tiền để đi mua ít thịt heo về nấu món thịt kho trứng cho cả gia đình ăn một lần đỡ nghiền…” - bà Niễm kể lại.

Tuy nhiên, những năm qua, nhờ sự nỗ lực không ngừng đã giúp điều kiện kinh tế của người dân trên đảo ngày càng phát triển, ổn định. Khi vật chất tương đối đủ đầy, bà con quan tâm đến đời sống tinh thần nhiều hơn, đặc biệt là vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Ông Nguyễn Văn Rô chia sẻ, vào những ngày cận Tết cổ truyền của dân tộc, hàng xóm thường xúm lại cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét; mua sắm vật dụng trang trí trong nhà… nhằm tạo không khí đầm ấm, vui tươi trên đảo. Ngày Tết, bà con thường mặc những bộ quần áo mới rồi đi đến từng nhà thăm hỏi, chung vui và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất cho năm mới.

“Tuy không khí ngày Tết trên đảo không nhộn nhịp như ở đất liền nhưng bà con cũng cố gắng giữ gìn những phong tục tập quán truyền thống của người Việt Nam tương đối đầy đủ” - ông Rô tâm sự.

Điều đáng quý nữa, người dân ở đây sống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau trong công việc, cuộc sống; không tranh giành dẫn đến mâu thuẫn, xích mích với nhau. Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự trên đảo luôn đảm bảo và chưa xảy ra vụ trộm cắp tài sản nào.

Tổ trưởng phụ trách cộng đồng dân cư trên đảo Bà Hương Nguyễn Văn Rô (thứ 2 từ trái qua) chia sẻ về đời sống sinh hoạt của bà con trên đảo
Tổ trưởng phụ trách cộng đồng dân cư trên đảo Bà Hương Nguyễn Văn Rô (thứ 2 từ trái qua) chia sẻ về đời sống sinh hoạt của bà con trên đảo

Ông Quách Thanh Bình, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 2 (Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn) cho hay, thời gian qua, người dân trên đảo Bà Hương chấp hành tốt những quy định về khai thác thủy sản trên lòng hồ Trị An, bà con làm ăn lương thiện bằng những dụng cụ đánh bắt thủy sản cho phép chứ không sử dụng nghề cấm...

“Đây cũng là một trong những điểm sáng để chúng tôi tuyên truyền với cư dân sống ở các đảo khác nhằm lan tỏa đến nhận thức của ngư dân trên toàn lòng hồ” - ông Bình cho hay.

* Vượt khó, vươn lên

Khi chúng tôi hỏi thăm người đầu tiên đến đảo Bà Hương sinh sống thì nhiều người không nắm rõ. Những người sinh sống lâu năm ở đây cho biết, khi họ đến đây vào những năm 1980 thì đã có nhiều người sinh sống từ trước. Hơn nữa, trải qua mấy chục năm với những đổi thay, nhiều gia đình cũng đã rời đảo tìm vùng đất mới lập nghiệp nên rất khó để xác định ai là người đầu tiên đến đảo.

Theo người dân địa phương, có thể một số người đã tìm đến đảo Bà Hương lập nghiệp từ rất sớm, khoảng sau năm 1975. Lúc bấy giờ, lòng hồ Trị An vẫn chỉ là một khu rừng cây và đảo Bà Hương là khu đồi cao. Sau này, Nhà nước ngăn dòng sông Đồng Nai làm thủy điện Trị An, khu đồi đã biến thành một hòn đảo nên mọi người chuyển dần lên đảo sinh sống.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn NGUYỄN HỮU PHƯỚC chia sẻ, thời gian qua, UBND tỉnh đã giao cho Khu bảo tồn quản lý 76 đảo trên hồ Trị An, trong đó có đảo Bà Hương. Hiện nay, đơn vị giữ nguyên hiện trạng và vẫn để bà con sinh sống, làm việc trên đảo. Định hướng tương lai, nếu đơn vị có quy hoạch sử dụng đảo Bà Hương để phát triển du lịch sinh thái, đơn vị sẽ xem xét và tạo điều kiện cho người dân cùng làm du lịch để họ được hưởng lợi.

Tuy khó khăn về địa hình xa xôi, cách trở nhưng nhiều người vẫn quyết tâm bám trụ vì đảo Bà Hương có nhiều tiềm năng để phát triển. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi nên các loại tôm, cá ở hồ Trị An rất nhiều; trên đảo có đất đai để cất nhà ở và đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Chính vì lẽ đó, khi phát hiện ra “vùng đất hứa”, người dân tứ xứ đã lần lượt tìm đến đây đầu tư làm ăn ngày càng đông và hình thành nên cộng đồng dân cư.

Hầu hết bà con đều chọn nghề cá và hàng ngày chèo thuyền ra hồ thả câu, giăng lưới, đặt lợp mưu sinh. Ngoài ra, họ còn làm thêm nghề đan lợp; đầu tư chuồng trại chăn nuôi ba ba, gà, vịt; cải tạo đất trồng rau củ quả để bán và cải thiện bữa ăn cho gia đình. 

 Khoảng năm 1990, đoàn cán bộ địa phương xuống khảo sát quanh đảo Bà Hương để đưa vào quản lý nhà nước. Lúc này, đảo mới chính thức được đặt tên là “Tổ Lòng Hồ”, nhưng người dân vẫn quen với tên gọi đảo Bà Hương (tên của một chủ vựa cá lớn từng làm việc tại đảo).

Lực lượng kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thường xuyên ghé thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân trên đảo Bà Hương
Lực lượng kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thường xuyên ghé thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân trên đảo Bà Hương

Khi nhắc đến đảo Bà Hương, người ta thường nghĩ ngay đến vùng đất gắn liền với nhiều cái không như: không chợ, không điện, không nước sạch, không đường, không trường, không trạm… Thế nhưng, đó là câu chuyện của hơn 10 năm trước, còn đảo Bà Hương bây giờ đã khác nhiều. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đơn vị trực tiếp quản lý lòng hồ Trị An, cùng sự nỗ lực không ngừng của người dân, đời sống cư dân nơi đây đã dần cải thiện rõ nét.

Cụ thể, thời gian qua, các cơ quan và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư làm ăn. Các đoàn từ thiện thường hay về thăm, tặng quà và hỗ trợ máy lọc nước để giúp việc ăn uống của người dân đảm bảo an toàn vệ sinh… Chính việc chăm lo kịp thời đã giúp bà con có động lực làm ăn vươn lên.

Hiện nhiều gia đình đã có kinh tế ổn định, có điều kiện đầu tư làm giếng khoan và dùng máy nổ bơm nước sạch lên dùng tại chỗ; đầu tư điện năng lượng mặt trời phục vụ trong sinh hoạt, sản xuất; sắm tivi để xem các chương trình giải trí và cập nhật tin tức với thế giới bên ngoài.

Ngoài nghề đánh bắt thủy sản, ngư dân trên đảo Bà Hương còn làm nghề đan lợp để tăng thu nhập
Ngoài nghề đánh bắt thủy sản, ngư dân trên đảo Bà Hương còn làm nghề đan lợp để tăng thu nhập

“Việc giao thương buôn bán ngày càng phát triển, hàng ngày có ghe chở đầy đủ các loại lương thực, thực phẩm từ trong đất liền ra đảo, giúp việc mua bán của bà con trên đảo rất thuận lợi. Tuy không giàu có, sung túc như trong đất liền nhưng cuộc sống của bà con hiện tại đã tốt hơn rất nhiều” - ông Nguyễn Văn Rô chia sẻ niềm vui. 

Thành Nhân

Tin xem nhiều