Báo Đồng Nai điện tử
En

Trở về từ "vùng đất xám"

03:01, 18/01/2023

Cùng với nhiều cán bộ, chiến sĩ (CBCS) quân đội tham gia các Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1, 2, 3, 4 (gọi tắt là BVDC 2.1, 2.2, 2.3, 2.4) tham gia hoàn thành xuất sắc các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, 2 y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 7B (Cục Hậu cần - Quân khu 7) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về.

Cùng với nhiều cán bộ, chiến sĩ (CBCS) quân đội tham gia các Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1, 2, 3, 4 (gọi tắt là BVDC 2.1, 2.2, 2.3, 2.4) tham gia hoàn thành xuất sắc các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, 2 y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 7B (Cục Hậu cần - Quân khu 7) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về.

Đại tá, TS Nguyễn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 7B  (thứ 3 từ phải qua) trao đổi với các y, bác sĩ hoàn thành công tác tại Nam Sudan trở về bệnh viện. Ảnh: Nam Anh
Đại tá, TS Nguyễn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 7B (thứ 3 từ phải qua) trao đổi với các y, bác sĩ hoàn thành công tác tại Nam Sudan trở về bệnh viện. Ảnh: Nam Anh

Hành trình thực hiện nhiệm vụ trong gian khó của chiến sự, đói nghèo, lạc hậu cho thấy, những người lính mũ nồi xanh Việt Nam đã phát huy tốt, tô thắm và làm sáng đẹp hơn phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”; cùng đồng chí, đồng đội làm nên những điều không tưởng, biến những “vùng đất xám” thành những mảng màu xanh tươi hoa lá, rau xanh đúng chất Bộ đội Cụ Hồ - bộ đội của dân.

* Khai hoang “vùng đất xám”…

Có mặt ngay chuyến đầu tiên của đợt công tác thứ nhất BVDC 2.1, trung tá Lê Thanh Sơn, Chủ nhiệm Khoa Ngoại chuyên khoa Bệnh viện Quân y 7B đã có 2 lần đến Bentiu. Lần thứ nhất trong thành phần đoàn BVDC 2.1 gồm 63 thành viên rời Tổ quốc vào tháng 11-2019. Hơn 1 năm làm nhiệm vụ tại Cộng hòa Nam Sudan, trung tá Sơn trở về nước cũng là lúc BVDC 2.2 lên đường.

Trung tá Lê Thanh Sơn cho biết, so với những BVDC cấp 2 sau này thì BVDC 2.1 thực sự trở thành lực lượng “đi khai hoang” đầu tiên “vùng đất xám”. “Tôi còn nhớ trong điều kiện lầy lội, bùn nhão nhoẹt, phải ở tạm trong lều dã chiến giống kiểu nhà tiền chế do đội công binh Vương quốc Anh bàn giao; máy điều hòa cũ, bị hư, trong khi nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức trên 45OC; ban đêm mưa ẩm, nhiệt độ xuống thấp nhưng chỉ trong một tuần, CBCS BVDC 2.1 khắc phục khó khăn, vừa điều chỉnh giờ làm việc phù hợp, vừa tranh thủ cải tạo nơi ở, nấu bếp thực hiện nhiệm vụ” - trung tá Sơn nhấn mạnh.

Sudan thời điểm tháng 11-2019 khoảng hơn 13 triệu dân. Người dân còn phải đối diện với các cuộc xung đột sắc tộc, nội chiến, nạn đói và bệnh tật. Kết quả mà BVDC 2.1 đã thực hiện  được theo LHQ đánh giá gấp 10 lần số liệu thông thường so với một BVDC cấp 2 tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ.

Trung tá Sơn bộc bạch: “Trước khi lên đường, chúng tôi đã hiểu điều kiện khó khăn nhưng không nghĩ là khó đến thế. Nhờ sự đoàn kết và kế thừa truyền thống “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” của quân đội ta nên chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời hoàn thành sứ mệnh những người đi “khai hoang vùng đất xám”.

Cũng theo trung tá Sơn, chỉ trong vòng 1 tuần, đơn vị vừa ổn định tình hình, cải thiện nơi ăn, chốn nghỉ, vừa vận chuyển hoàn thành trên 30 tấn hàng hóa, thuốc men đem theo. Ban giám đốc BVDC 2.1 đã nghiên cứu, bố trí nhiệm vụ cho từng thành viên hợp lý, hợp sức và hợp thời tiết. Nhờ đó, mọi khó khăn đều bị lực lượng “mũ nồi xanh” Việt Nam đẩy lùi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Phái bộ LHQ đánh giá cao.

Trong nhiệm kỳ hơn 1 năm, BVDC 2.1 Việt Nam đã điều trị trên 2 ngàn lượt bệnh nhân, trong đó có nhiều ca nghiêm trọng được phẫu thuật thành công. Trung tá Sơn cho rằng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thành viên BVDC 2.1 luôn nhận được sự tin tưởng từ các nhân viên của LHQ, cũng như những người dân tại Cộng hòa Nam Sudan. Ngoài ra, đơn vị làm tốt công tác dân vận, đưa BVDC 2.1 tiếp cận và điều trị cho nhiều lượt người, tạo tiền đề để những BVDC sau này hoạt động tốt.

Chị Nguyễn Thủy Dương và anh Lê Thanh Sơn vận dụng kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh từ quá trình công tác tại Nam Sudan để chăn sóc vườn lan Bệnh viện 7B
Chị Nguyễn Thùy Dương và anh Lê Thanh Sơn vận dụng kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh từ quá trình công tác tại Nam Sudan để chăm sóc vườn lan Bệnh viện 7B

* Nhân lên tình đồng chí, đồng đội

Tham gia BVDC 2.3, thượng úy Nguyễn Thùy Dương, Khoa Dược thiết bị Bệnh viện Quân y 7B luôn nhớ những kỷ niệm mà chị có được trong nhiệm kỳ công tác tại Nam Sudan.

Chị Dương kể, điều chị nhớ nhất chính là những chuyến làm công tác dân vận, bản thân chị và đồng đội có nhiều trải nghiệm thú vị mà trong lòng chỉ muốn có nhiều nguồn lực hơn nữa, hỗ trợ cho những trẻ em nghèo bên ngoài hàng rào các trại tị nạn mà nhân viên BVDC 2.3 đến thăm.

Trung tá LÊ THANH SƠN và thượng úy NGUYỄN THÙY DƯƠNG chia sẻ, cùng những khó khăn mà các CBCS đã vượt qua, thì côn trùng, đặc biệt là muỗi Anopheles thực sự ám ảnh những người lính mũ nồi xanh ở Nam Sudan. Bởi khi bị muỗi Anopheles đốt, chiến sĩ mũ nồi xanh phải nghỉ việc bởi sốt rét…

“Nhìn những đứa trẻ tội nghiệp, tôi chỉ ao ước có thật nhiều quà hỗ trợ các em, nhất là nhìn vào mắt những trẻ đang phải sống trong môi trường khắc nghiệt của thời tiết, của bom đạn…” - chị Thùy Dương tâm sự.

Một kỷ niệm nữa không thể quên đối với chị Dương đó là nhận lệnh của LHQ sẵn sàng di chuyển nếu khu vực đê sông Nin bị vỡ, Uganda sẽ xả nước, gây ngập úng toàn bộ vùng Bentiu. Vì ngập, gia súc, gia cầm của người dân bị chết, xác động vật sẽ là một trong những nguy cơ gây ô nhiễm, gia tăng bệnh đường tiêu hóa và dễ mắc bệnh dại từ thú hoang. BVDC 2.3 đã sáng kiến nâng cấp, kê những kệ có chiều cao thấp nhất từ 1,2m để bảo toàn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm y tế và phòng dịch... Đồng thời, tính toán để dành ra một phần thuốc men, nhu yếu phẩm trao tặng cho nhà tù Bentiu. Hoạt động nhân đạo này của cán bộ, y, bác sĩ Việt Nam làm lay động bạn bè quốc tế…

Cũng trong gian khó, y, bác sĩ, nhân viên chia sẻ cho nhau những bài nhật ký bằng thơ mà các anh chị gọi vui là “Lục bát ký” do chính những người lính mũ nồi xanh “bỗng hóa thành thi sĩ” sáng tác.

Chị Nguyễn Thùy Dương dạy học cho trẻ em Nam Sudan. Ảnh: NVCC
Chị Nguyễn Thùy Dương dạy học cho trẻ em Nam Sudan. Ảnh: NVCC

Chẳng hạn nhật ký bằng thơ của một đồng chí: “Khai giảng mẹ vắng nhà/ Con, ông bà và bố/ Dụng cụ học sách vở/ Có đầy đủ không con/ Sắp Trung thu trăng tròn/ Mẹ lại đành lỗi hẹn/ Cảm giác như nghèn nghẹn/ Nhớ thương các con nhiều/ Nhưng Tổ quốc - tình yêu/ Gia đình mình trong đó/ Dưới sao vàng cờ đỏ/ Quyết tâm luôn dâng trào/ Nhiệm vụ đất nước trao/ Cho cả con và mẹ/ Chăm ngoan con yêu nhé/ Hẹn ngày về đoàn viên”…

Hoặc thơ về tình đồng chí, đồng đội giúp chị Dương và nhiều người bạn của mình vượt qua gian khó: “Đồng đội hai tiếng thân thương/ Dã chiến màu áo khiêm nhường chúng ta… Ốm đau hoạn nạn bao lần/ Nghĩa tình đồng chí muôn phần đẹp tươi/ Sẻ chia nước mắt nụ cười/ Dù Nam chí Bắc đều người anh em/ Hòa bình thế giới êm đềm/ Mũ nồi xanh đó đẹp thêm cuộc đời”…

Những kỷ niệm đẹp đã giúp các CBCS Thùy Dương, Thanh Sơn luôn lạc quan dù phía trước còn nhiều gian khó: “Hạnh phúc riêng cũng phải nhường/ Mũ nồi xanh đến - chiến trường nở hoa”.

Chị Nguyễn Thùy Dương bên hoa hướng dương chị đã trồng trong thời gian làm nhiệm vụ tại Nam Sudan. Ảnh: NVCC
Chị Nguyễn Thùy Dương bên hoa hướng dương chị đã trồng trong thời gian làm nhiệm vụ tại Nam Sudan. Ảnh: NVCC

Thượng tá Bùi Đức Thành, Phó giám đốc Bệnh viện 175, nguyên Giám đốc BVDC 2.1 khẳng định: “Một thời gian ngắn, từ vùng đất bị đạn bom tàn phá, chúng tôi thường gọi là “vùng đất xám”, đã nở hoa tươi thắm, rau xanh, củ quả cho thu hoạch… cải thiện bữa ăn của bộ đội và làm đẹp khuôn viên đơn vị”.

Đại tá, BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 7B cho hay, ngoài 2 sĩ quan y, dược của bệnh viện đã hoàn thành sứ mệnh gìn giữ hòa bình LHQ trở về, đơn vị còn những đồng chí vẫn tiếp tục hành trình, đóng góp cho nền hòa bình chung của nhân loại; đồng thời, họ luôn sẵn sàng nhận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo tiếng gọi thiêng liêng khi Tổ quốc cần dù phải đi bất cứ nơi đâu.

Nam Anh

Tin xem nhiều