Báo Đồng Nai điện tử
En

'Đòn bẩy' thúc đẩy lộ trình kinh tế số

10:01, 18/01/2023

Trong những năm qua, Đồng Nai có nhiều nỗ lực trong việc phát triển số hóa trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), ngân hàng số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử… tạo tiền đề để phát triển nền kinh tế số.

Trong những năm qua, Đồng Nai có nhiều nỗ lực trong việc phát triển số hóa trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), ngân hàng số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử… tạo tiền đề để phát triển nền kinh tế số.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai và các khách hàng tham quan dịch vụ ngân hàng số tại điểm giao dịch trên đường 30-4 (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) của Agribank chi nhánh tỉnh Đồng Nai
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai và các khách hàng tham quan dịch vụ ngân hàng số tại điểm giao dịch trên đường 30-4 (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) của Agribank chi nhánh tỉnh Đồng Nai

* Đa dạng các tiện ích

Trước xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, Đồng Nai đã và đang có những bước đi trên con đường chuyển đổi số (CĐS). Theo đó, tỉnh hướng tới một nền kinh tế mạnh, phát triển nhanh, nền hành chính công đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN); tập trung phát triển các mô hình kinh tế số, đẩy mạnh các tiện ích về thanh toán, tiêu dùng trên các nền tảng số đến người dân, tạo động lực thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo chia sẻ, ngành Ngân hàng trong tỉnh đã và đang chú trọng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, CĐS trong hoạt động ngân hàng; tập trung triển khai hiệu quả, thực chất cải cách hành chính; tăng cường hiệu quả, chất lượng hoạt động thanh toán thẻ qua các máy POS… Đồng thời, triển khai Kế hoạch triển khai thực hiện đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh phổ biến kiến thức, thông tin tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt…

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND về Phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra là: xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh.

Kế hoạch đề ra các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Về phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025, tỉ trọng kinh tế số của Đồng Nai đạt 20% GDP; tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt 2%...

Chị Phan Minh Hà (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Với lợi thế của người trẻ thành thạo internet, việc tiếp cận công nghệ thông tin với tôi không quá khó. Do đó, chỉ cần các ngành, lĩnh vực có ứng dụng phần mềm CĐS, tôi đều cài đặt và nắm bắt sử dụng để rút ngắn thời gian và công sức, từ thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công đến việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp, sổ sức khỏe điện tử, bảo hiểm xã hội… Việc ứng dụng công nghệ vào trong công việc cũng như cuộc sống mang đến cho người dân rất nhiều thuận lợi chỉ qua chiếc máy tính hay điện thoại thông minh. Ngoài ra, người dân trên địa bàn tỉnh còn có thể tiếp cận những thông tin hữu ích thông qua các cổng thông tin của địa phương hay mua sắm đặc sản vùng miền trên sàn TMĐT. Tôi mong rằng, không chỉ các cơ quan, DN lớn ứng dụng công nghệ số mà dần chuyển đổi đến các cửa hàng, đơn vị nhỏ thông qua các mã QR, qua đó có thể tìm hiểu sản phẩm, thanh toán, quản lý chi tiêu… Có như vậy mới khuyến khích người dân ngày càng mạnh dạn chuyển đổi và sử dụng các công cụ số, tài khoản số...”.

Song song đó, trong những năm gần đây, Đồng Nai được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những địa phương năng động trong phát triển TMĐT và liên tục nằm trong nhóm những địa phương trên cả nước có chỉ số TMĐT cao. Theo báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam - EBI năm 2022, do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) công bố, chỉ số TMĐT của Đồng Nai tiếp tục nằm trong tốp 5 toàn quốc.

Một trong những yếu tố then chốt để đẩy mạnh quá trình CĐS, nhất là đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đó là hạ tầng về công nghệ thông tin. Từ cuối năm 2021, Sàn giao dịch TMĐT Đồng Nai (ecdn.vn) chính thức ra mắt, mở ra nhiều cơ hội cho người dân trải nghiệm dịch vụ, các DN có thêm kênh bán hàng, quảng bá sản phẩm…

Người tiêu dùng tham khảo các sản phẩm địa phương trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai (ecdn.vn)
Người tiêu dùng tham khảo các sản phẩm địa phương trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai (ecdn.vn)

Đến nay, Sở Công thương đã kết nối, hỗ trợ miễn phí cho nhiều DN, HTX… trong tỉnh tham gia đưa hàng hóa lên sàn để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Sở xem xét nâng cấp chức năng mua sắm hàng hóa trên thiết bị điện thoại di động (Android, iOS) đối với các giao dịch trên Sàn TMĐT Đồng Nai, xây dựng phương án vận hành, nguồn nhân lực phù hợp, hiệu quả, đúng quy định để phát triển ecdn.vn…

Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công thương) Nguyễn Văn Thành cho biết, trang ecdn.vn nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương và sự nỗ lực kết nối hỗ trợ của Sở Công thương cùng các đơn vị liên quan. Sàn TMĐT Đồng Nai hiện là một trong những sàn đi đầu trong việc tích hợp thanh toán điện tử, logistics và được đánh giá cao về mức độ ứng dụng trong 44 sàn TMĐT địa phương đang được vận hành, triển khai. Hạ tầng về công nghệ của sàn được chuẩn bị khá tốt nhưng cần thêm sự đồng bộ giữa các bên liên quan, đẩy mạnh công tác về thông tin, truyền thông, kết nối… để sàn phát huy hiệu quả.

* Sự chủ động từ các DN

CĐS nói chung và kinh tế số nói riêng là xu thế tất yếu, các DN trong nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng không thể nằm ngoài “dòng chảy số” trong bối cảnh hội nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là sau những tác động của đại dịch Covid-19. Các DN cần chủ động chuẩn bị các thành phần giúp thúc đẩy CĐS, triển khai thêm các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích trên các nền tảng số phục vụ người dân trong tình hình mới.

Các doanh nghiệp tham quan gian hàng giới thiệu công nghệ chuyển đổi số bên lề hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp tại Đồng Nai năm 2022. Ảnh: Hải Hà
Các doanh nghiệp tham quan gian hàng giới thiệu công nghệ chuyển đổi số bên lề hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp tại Đồng Nai năm 2022. Ảnh: Hải Hà

Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) Trương Đình Quốc chia sẻ, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động CĐS trên 5 lĩnh vực bao gồm: lĩnh vực sản xuất, các hoạt động quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành lưới điện; lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng; lĩnh vực quản trị nội bộ; lĩnh vực đầu tư xây dựng; lĩnh vực viễn thông dùng riêng và công nghệ thông tin. Đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, trong đó bao gồm các dịch vụ số, thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt luôn được chú trọng triển khai và cải tiến để đáp ứng xu thế của xã hội…

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để thực hiện CĐS đạt hiệu quả, các DN, nhất là các DN địa phương cần xác định rõ nguồn lực sẵn có để làm. Nguồn lực đó là tài sản, công cụ, công nghệ, dây chuyền sản xuất… Bên cạnh đó, cần có đội ngũ nhân sự phù hợp để hướng tới mục tiêu mà DN đề ra. Trong đó, cần lưu ý CĐS không phải ở công cụ mà là ở tư duy, tư duy đầu tiên phải đến từ người lãnh đạo.

Người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại một cửa hàng trên đường Phan Trung (TP.Biên Hòa)
Người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại một cửa hàng trên đường Phan Trung (TP.Biên Hòa)

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện nhận định, việc số hóa số liệu, đánh giá quy trình xử lý thông tin trong nội bộ, hệ thống quản lý theo một trình tự phù hợp… là việc cần làm đầu tiên để CĐS trong DN. Điều này đòi hỏi lãnh đạo DN và các bộ phận chuyên môn phải thực sự quyết tâm, chủ động tìm hiểu, nâng cao nhận thức để từ đó hiểu đúng và thực hiện CĐS có hiệu quả.

Tương tự, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM chia sẻ, ở mô hình DN, muốn CĐS thành công thì bộ máy điều hành của DN mà đặc biệt bản thân của người đứng đầu DN, hay nói cách khác chủ DN phải thật sự quan tâm xem đây là công cụ để thay đổi mô hình kinh doanh của DN mình. CĐS phải được dẫn dắt từ trên xuống và được “thông suốt” đến từng người trong DN.

“Công nghệ giúp DN tăng năng suất, giảm sai sót nhưng CĐS mang tính đột phá và sâu sắc hơn. CĐS sẽ tạo cơ hội cho các DN nhỏ có được tính linh hoạt, sở hữu bộ công cụ và dữ liệu cho phép những DN này nắm lấy cơ hội dẫn đầu và cạnh tranh với các DN lớn theo phương thức khác với truyền thống trước đây” - ông Lâm Nguyễn Hải Long lưu ý.

Hải Hà

Tin xem nhiều