Báo Đồng Nai điện tử
En

Độc đáo bảo vật quốc gia

03:01, 18/01/2023

So với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Đồng Nai là địa phương chưa có nhiều bảo vật quốc gia (BVQG). Tính đến tháng 12-2022, Đồng Nai mới chỉ có 2 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận BVQG.

So với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Đồng Nai là địa phương chưa có nhiều bảo vật quốc gia (BVQG). Tính đến tháng 12-2022, Đồng Nai mới chỉ có 2 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận BVQG.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tham quan Bảo vật quốc gia Tượng thần Vishnu Bình Hòa trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng Đồng Nai năm 2022
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tham quan Bảo vật quốc gia Tượng thần Vishnu Bình Hòa trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng Đồng Nai năm 2022

Mỗi hiện vật, bộ sưu tập BVQG được xem là những tài sản vô giá, khẳng định dấu ấn tinh hoa văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trong suốt chiều dài lịch sử. Tài sản ấy đã và đang được gìn giữ, phát huy giá trị xứng tầm với vai trò, vị trí của di sản trong đời sống đương đại.

* Đa dạng và nhiều giá trị…

Những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, Bảo tàng Đồng Nai đón nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan các hiện vật, tìm hiểu văn hóa lịch sử, trong đó có các BVQG. 2 BVQG của Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2021 gồm: bộ sưu tập Qua đồng Long Giao và Tượng thần Vishnu Bình Hòa hiện được bảo quản, trưng bày, giới thiệu trực tiếp và giới thiệu thông qua số hóa 3D. Các video giới thiệu BVQG có độ phân giải cao giúp người xem chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cảm nhận giá trị lịch sử, nghệ thuật của những bảo vật này.

Nghiên cứu Qua đồng Long Giao (Đồng Nai) trong cuốn sách Đến với lịch sử văn hóa Biên Hùng - Đồng Nai, PGS-TS Phạm Đức Mạnh cho rằng, nét đặc sắc nhất của Qua đồng Long Giao không chỉ nằm ở hoa văn trang trí tỉ mỉ mà còn là sự hiện diện đa dạng các dáng lưỡi - những thể loại mang trong nó một thuộc tính ưu việt của vũ khí giáp chiến đánh xa. Ở đây, người cổ Đồng Nai đã phát triển lưỡi dài và cong vút như kiếm, kiếm ngắn, với 2 rìa tác dụng sắc khỏe, mũi qua nhọn, đầu mũi xòe như lao hoặc vát như mã tấu.

Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai NGUYỄN VIỆT SƠN cho biết: “Các BVQG mang trong mình dấu ấn văn hóa, giá trị văn hóa, thẩm mỹ của từng thời kỳ trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Trong Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bảo tàng Đồng Nai tiếp tục mở cửa miễn phí đón khách tham quan đến du Xuân, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của tỉnh, nhất là tìm hiểu giá trị của BVQG”.

Tượng thần Vishnu Bình Hòa là pho tượng được phát hiện cuối năm 1976 tại Hóa An (TP.Biên Hòa). Đây là tượng thần Vishnu bằng đá sa thạch, được tạc theo quy cách tượng tròn, đầu đội mũ hình trụ, có 4 tay (cả 4 tay tượng đều bị gãy, chỉ còn lại phần dính liền thân). Thân quấn xăm-pốt dài gần đầu gối. Tượng thần Vishnu Bình Hòa về cơ thể học, về phong cách nghệ thuật có phần khá gần gũi với tượng Vishnu Toul Dai Boun, thuộc phong cách nghệ thuật Phuon Da muộn vào khoảng thế kỷ VII-VIII sau công nguyên. Có thể nói, đây là sản phẩm nghệ thuật tượng tròn có niên đại vào loại sớm nhất ở đồng bằng Nam bộ, nó cũng là sản phẩm đẹp nhất trong các pho tượng đá thời bấy giờ.

Cùng với Tượng thần Vishnu Bình Hòa và bộ sưu tập Qua đồng Long Giao đã được công nhận là BVQG, năm 2022, Đồng Nai đã lập hồ sơ, trình xét công nhận BVQG cho 2 hiện vật, bộ sưu tập gồm: bộ sưu tập đàn đá Bình Đa và Tượng Nam thần Bến Gỗ.

Nghiên cứu Văn hóa, văn vật Đồng Nai, TS Nguyễn Thị Nguyệt, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho rằng, người cổ ở Đồng Nai là một trong những cư dân biết thưởng thức âm nhạc ở trình độ nhất định. Di chỉ Bình Đa (TP.Biên Hòa) khai quật năm 1979 là bằng chứng hùng hồn cho khả năng sáng tạo và sử dụng nhạc cụ truyền thống bấy giờ: đàn đá. Đàn đá Bình Đa có niên đại 3.180 ± 50 năm cách ngày nay.

“Kỹ thuật tạo ra các thanh đá là ghè đẽo làm cho các thanh đá có độ dày mỏng khác nhau. Các hướng ghè đẽo, đục chỉnh thường từ các rìa cạnh đầu và thân hướng tâm, độ nông phổ biến khoảng 2-5mm với xu hướng sâu phía ngoài và cạn dần vào trong thân. Từ kỹ thuật này đã góp phần tạo những âm thanh vang ra khi gõ. Đây cũng được xem là một trong những loại nhạc cụ cổ của cư dân Đồng Nai - Nam bộ nói riêng, Việt Nam nói chung vào khoảng 1.230 năm trước công nguyên” - TS Nguyễn Thị Nguyệt cho biết.

Bảo vật quốc gia Tượng thần Vishnu Bình Hòa trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng Đồng Nai
Bảo vật quốc gia Tượng thần Vishnu Bình Hòa trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng Đồng Nai

Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho hay, năm 1988, Bảo tàng Đồng Nai phối hợp với Viện Khoa học xã hội TP.HCM tổ chức thám sát khảo cổ khu vực chùa Long Bửu, đình Phước Hội, xã Long Hưng, H.Long Thành (nay là xã Long Hưng, TP.Biên Hòa) với 4 hố khai quật, phát hiện nhiều hiện vật gốm hình chóp, gạch, ngói, hũ sành, phù điêu và Tượng Nam thần phát hiện ở độ sâu 1m. Tượng được làm bằng đá cát màu xanh trắng, kết cấu cứng, không nhuyễn và chỉ được mài nhẵn nên bề ngoài không trơn láng, cao 114cm, tạo tư thế đứng thẳng trên bệ.

 “Tượng Nam thần Bến Gỗ được xác định niên đại khoảng thế kỷ XI, thuộc giai đoạn hậu Óc Eo. Tượng phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân bản địa Nam bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng, làm sáng tỏ lịch sử vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, nơi có sự giao thoa, tiếp biến văn hóa mạnh mẽ trong suốt quá trình lịch sử” - ông Sơn chia sẻ.

* Phát huy và lan tỏa giá trị bảo vật đến công chúng

Có dịp tham quan Bảo tàng Đồng Nai, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử cũng như các BVQG đang được trưng bày tại đây, em Trương Thị Ánh Tuyết (học sinh lớp 11, Trường THPT Ngô Quyền, TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên em đến Bảo tàng Đồng Nai tham quan. Thật thú vị khi trải nghiệm và xem BVQG trực tiếp cũng như thông qua hình ảnh 3D. Sự ra đời, giá trị của các bảo vật cách đây hàng ngàn năm được tóm lược, diễn giải một cách sinh động. Em rất thích cách giới thiệu các hiện vật BVQG ở bảo tàng, không chỉ giúp em học hỏi kiến thức lịch sử bổ ích mà còn có cơ hội thưởng lãm những giá trị văn hóa tiêu biểu không thể đo đếm”.

Một số tiêu bản trong bộ sưu tập Qua đồng Long Giao được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2021, trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng Đồng Nai
Một số tiêu bản trong bộ sưu tập Qua đồng Long Giao được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2021, trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng Đồng Nai

Theo Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn, hiện 2 BVQG đang được trưng bày, giới thiệu cho khách tham quan tại bảo tàng. Hoạt động bảo quản luôn tuân thủ nghiêm các quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật, có sự phối hợp hướng dẫn của các nhà khoa học, chuyên gia về bảo quản theo từng loại hình, chất liệu, tình trạng của từng BVQG. Bảo tàng ưu tiên kinh phí cho việc cải tạo, nâng cấp công trình và hạ tầng kỹ thuật khu vực trưng bày để BVQG được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ được quan tâm, triển khai các phương án phòng, chống cháy nổ và các nguy cơ gây hại khác để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các BVQG.

 “Để tiếp tục phát huy giá trị BVQG và lan tỏa đến công chúng, bảo tàng đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức như: ứng dụng công nghệ 4.0 số hóa 3D các hiện vật; in ấn tờ gấp, thực hiện video clip giới thiệu, in pa-nô, băng rôn, giới thiệu trên các trang thông tin điện tử, Báo Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai. Ngoài ra, Bảo tàng tổ chức các triển lãm, giới thiệu BVQG và các di vật tiêu biểu của nền văn hóa lưu vực sông Đồng Nai đến người dân và khách du lịch. Qua các hoạt động nhằm làm sáng tỏ hơn giá trị văn hóa lịch sử, nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nhất là trong thế hệ trẻ hôm nay” - ông Sơn nói.   

Quang Nhật

Tin xem nhiều