Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức bật mới trong thu hút FDI

02:01, 16/01/2020

Năm 2019, Đồng Nai thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 145% so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của những chuyên gia kinh tế, các tập đoàn đa quốc gia thì sức bật mới của Đồng Nai nằm ở những năm tới, khi hàng loạt công trình hạ tầng giao thông cấp quốc gia, vùng, tỉnh sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.

Năm 2019, Đồng Nai thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 145% so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của những chuyên gia kinh tế, các tập đoàn đa quốc gia thì sức bật mới của Đồng Nai nằm ở những năm tới, khi hàng loạt công trình hạ tầng giao thông cấp quốc gia, vùng, tỉnh sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường tiếp bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường tiếp bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh

Đến cuối năm 2019, Đồng Nai đã có 45 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào với gần 1,5 ngàn dự án và tổng vốn đăng ký khoảng 30 tỷ USD. Hiện Đồng Nai đang xếp thứ 4 cả nước về thu hút vốn FDI chỉ sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bình Dương.

* Những “luồng gió mới”

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, hiện 32 khu công nghiệp đang hoạt động của Đồng Nai có 1.500 dự án FDI và gần 500 dự án vốn đầu tư trong nước. Tổng vốn đăng ký đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh gần 35 tỷ USD. Trong đó, gần 60% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Trong năm 2019, Đồng Nai đã tiếp đón khá nhiều các lãnh đạo, tổng lãnh sự, tập đoàn đa quốc gia đến từ các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới đến tìm hiểu về môi trường đầu tư. Vấn đề các doanh nghiệp FDI rất quan tâm là những dự án hạ tầng như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương... khi nào triển khai, việc kết nối với các khu vực lân cận ra sao, quy hoạch về đất đai, xây dựng của tỉnh trong những năm tới thế nào. Lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư và những chính sách mới.

Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng, khoảng 4-5 năm trở lại đây, doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng tốc đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp. Đồng Nai trở thành một trong những điểm đến thu hút được khá nhiều doanh nghiệp Nhật Bản so với các tỉnh, thành khác tại Việt Nam. Gần đây, Đồng Nai trở thành khu vực khá “hot” khi Chính phủ công bố triển khai hàng loạt dự án trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh. “Tôi nghĩ trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ đón được làn sóng đầu tư từ Nhật Bản trên lĩnh vực công nghiệp và một số lĩnh vực khác như: thương mại, dịch vụ, logistics. Bởi các công trình hạ tầng giao thông hoàn thành, tỉnh trở thành trung tâm giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” - ông Okada Hideyuki nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Văn Phước trao danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc” cho doanh nghiệp FDI
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Văn Phước trao danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc” cho doanh nghiệp FDI

Thực tế, các tập đoàn FDI khi đầu tư vào Đồng Nai đã có sự chuẩn bị tương đối sớm để đón những cơ hội mới từ những công trình hạ tầng trọng điểm của tỉnh mang lại. Cụ thể, các tập đoàn FDI đã tăng vốn mở rộng đầu tư như: Bosch, Hyosung, Fujitsu, Meggitt, Chang Shin, Formosa, Taekwang Vina, Kenda, Forval...

Ông Mallikarjuna Guru, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam chia sẻ: “Tập đoàn Bosch đầu tư vào Đồng Nai từ năm 2008, khi mới đi vào hoạt động nhà máy sản xuất 1,6 triệu sản phẩm/năm. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy được nhiều cơ hội phát triển tại Đồng Nai trong tương lai nên đã có nhiều đợt tăng vốn mở rộng sản xuất để đón đầu. Hiện nhà máy của Bosch tại Đồng Nai sản xuất được 26 triệu sản phẩm/năm”. Đây là một trong 2 doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh được Trung ương công nhận là ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh tiếp đón doanh nghiệp Nhật Bản
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh tiếp đón doanh nghiệp Nhật Bản

Bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh đánh giá, trước đây doanh nghiệp Hoa Kỳ chủ yếu quan tâm nhiều đến giao thương với doanh nghiệp Đồng Nai, lĩnh vực công nghiệp có đầu tư nhưng còn ít. Tuy nhiên, tới đây với sức bật mới từ hạ tầng kỹ thuật, các doanh nghiệp Hoa Kỳ dự tính sẽ đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực hàng không, hạ tầng và dịch vụ. 

* Đi trước, đón đầu

Trong 45 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh có 8 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đăng ký trên 1 tỷ USD. Dẫn đầu là Hàn Quốc với hơn 6,6 tỷ USD; xếp thứ hai là Đài Loan với gần 5,3 tỷ USD; đứng thứ ba là Nhật Bản gần 4,7 tỷ USD và xếp thứ tư là Singapore với gần 3,6 tỷ USD...

Đồng Nai đã sớm nhận ra những cơ hội trong tương lai khi các công trình hạ tầng được xây dựng, hoàn thành và đưa vào khai thác. Tỉnh sẽ là nơi đón nhận được nhiều nhà đầu tư FDI đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ rót vốn vào các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, bất động sản, dịch vụ, du lịch... Do đó, tỉnh đã có những bước chuẩn bị từ trước để kịp thời nắm bắt dòng vốn FDI xanh, góp phần xây dựng Đồng Nai thành tỉnh công nghiệp phát triển và là đô thị thông minh. Đồng thời, khẳng định vị thế của Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu của Việt Nam về phát triển kinh tế.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp và ông Yoon Byung Tae, Phó thống đốc tỉnh Jeollanam (Hàn Quốc) ký kết chương trình hợp tác giữa hai địa phương
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp và ông Yoon Byung Tae, Phó thống đốc tỉnh Jeollanam (Hàn Quốc) ký kết chương trình hợp tác giữa hai địa phương

Trong chuyến làm việc tại Đồng Nai vào đầu tháng 5-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Đồng Nai đóng vai trò quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là khu vực thu hút vốn FDI, xuất khẩu, thu ngân sách lớn của cả nước. Chính phủ đang ưu tiên nguồn vốn để triển khai một số dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh để kết nối vùng nhằm tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế cho vùng”.

Trong năm 2019, sức bật mới trong thu hút FDI của tỉnh được thể hiện qua kết quả là dòng vốn FDI vào tỉnh dù được chọn kỹ nhưng vẫn vượt kế hoạch đề ra khoảng 450 triệu USD. Các khu công nghiệp của Đồng Nai tỷ lệ lấp đầy đạt 78%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Các doanh nghiệp FDI đăng ký đầu tư vào Đồng Nai khi được cấp phép đều gấp rút hoàn thành thủ tục để xây dựng dự án, giải ngân vốn, nhanh chóng đi vào sản xuất.

Sản xuất ở Công ty TNHH Phospin (KCN Nhơn Trạch 1). Ảnh: Hoàng Lộc
Sản xuất ở Công ty TNHH Phospin (KCN Nhơn Trạch 1). Ảnh: Hoàng Lộc

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhận xét: “Trong những năm tới, khi hạ tầng giao thông được xây dựng, kết nối hoàn chỉnh, Đồng Nai sẽ được nhiều doanh nghiệp FDI lựa chọn đầu tư vào công nghiệp và những lĩnh vực khác. Tỉnh sẽ nhanh chóng hoàn thành và đồng nhất giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để khi nhà đầu tư FDI vào có thể triển khai nhanh các dự án. Đồng thời, tỉnh cũng đưa vào quy hoạch mới và mở rộng nhiều khu công nghiệp để đón những doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, hiện đại thân thiện với môi trường”.

Khoảng 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh đều có công nghệ hiện đại. Trong đó, gần 40% doanh nghiệp FDI đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực Đồng Nai cũng như cả nước đang ưu tiên mời gọi để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tăng giá trị gia tăng. Vì thế, Đồng Nai đang là một trong những nơi cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhiều doanh nghiệp trong vùng và cả nước.                                                             

Hương Giang

Tin xem nhiều