Báo Đồng Nai điện tử
En

Cù lao Phố: Giữ 'hồn' đô thị

11:01, 16/01/2020

Với diện tích chưa đầy 7km<sup>2</sup> nhưng Cù lao Phố (phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) lại là nơi lưu giữ hàng chục công trình lịch sử, tôn giáo gắn liền với hành trình mở cõi phương Nam của dân tộc.

Với diện tích chưa đầy 7km2 nhưng Cù lao Phố (phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) lại là nơi lưu giữ hàng chục công trình lịch sử, tôn giáo gắn liền với hành trình mở cõi phương Nam của dân tộc.

Cầu Hiệp Hòa nối trung tâm TP.Biên Hòa với Cù lao Phố
Cầu Hiệp Hòa nối trung tâm TP.Biên Hòa với Cù lao Phố

Cù lao Phố vì vậy là nơi mang “hồn cốt” của cả dải đất phương Nam nói chung và vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng. Cũng chính vì thế, việc quy hoạch, phát triển Cù lao Phố luôn đặt ra yêu cầu phải gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất này.

* Vùng đất di sản

Cù lao Phố có hình dạng chiếc chuông chùa treo nghiêng, trong đó dòng chảy của sông Cái uốn vòng tạo thành hình thân chuông. Cù lao Phố là mảnh đất gắn liền với hành trình mở cõi phương Nam của dân tộc ta, nơi đây cũng từng là một thương cảng sầm uất nhất vùng đất phương Nam. Với quá trình hình thành và lịch sử phát triển lâu dài, Cù lao Phố cho đến ngày nay vẫn là mảnh đất lưu giữ nhiều công trình tôn giáo, lịch sử lâu đời.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, trong quy hoạch Cù lao Phố, các công trình đình, chùa, miếu phải giữ nguyên, ít nhất là nguyên trạng. Đây là yếu tố tạo nên nét riêng của Cù lao Phố và TP.Biên Hòa. Cù lao Phố sẽ không phát triển như một khu phố mới, giống như nhiều khu phố khác.

Thống kê của UBND TP.Biên Hòa cho thấy, hiện nay tại Cù lao Phố còn 22 công trình lịch sử, tôn giáo. Trong số này có 4 công trình được xếp hạng di tích cấp quốc gia gồm: đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông, chùa Đại Giác, đình Bình Quan và 18 di tích hạng phổ thông gồm các đình, chùa, thánh thất, tịnh xá… Ngoài ra, tại Cù lao Phố còn có các căn nhà cổ và các ngôi mộ cổ. Tất cả đều mang trong mình những giá trị tín ngưỡng, lịch sử gắn liền với thời kỳ mở mang lãnh thổ dân tộc về phương Nam.

Đánh giá về những di tích và giá trị văn hóa lịch sử mà Cù lao Phố đang lưu giữ, ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai cho rằng, không có một vùng đất nào trên đất nước ta, với một diện tích khiêm tốn nhưng lại chứa đựng trong mình nhiều di tích lịch sử, tôn giáo như Cù lao Phố. “Một cù lao nhỏ bé nhưng lưu giữ trên mình hơn 20 di sản, thiết chế tâm linh, chưa kể đến các ngôi mộ cổ ở Cù lao Phố” - ông Trần Quang Toại nhấn mạnh.

Đường Đặng Văn Trơn, một trong những trục giao thông chính trong quy hoạch phát triển Cù lao Phố. Ảnh: Phạm Tùng
Đường Đặng Văn Trơn, một trong những trục giao thông chính trong quy hoạch phát triển Cù lao Phố. Ảnh: Phạm Tùng

Ngoài sự “giàu có” về số lượng, ông Trần Quang Toại cũng cho rằng, những giá trị tâm linh, văn hóa mà các di sản đang được lưu giữ tại Cù lao Phố cũng rất lớn lao và đã vượt khỏi địa phận Đồng Nai cũng như biên giới nước Việt. “Lễ hội chùa Ông không chỉ nổi tiếng ở nước ta mà còn nổi tiếng ở Singapore, Malaysia, Đài Loan” - ông Trần Quang Toại chia sẻ.

Kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cũng cho rằng, những di tích lịch sử, văn hóa hội tụ dọc hai bờ sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP.Biên Hòa lâu nay đã tạo ra nét riêng cho đô thị và gắn liền với đời sống của người dân. Trong đó, điểm nhấn đặc biệt nhất chính là Cù lao Phố. “Với hàng chục di tích văn hóa, lịch sử, tôn giáo hội tụ, Cù lao phố là một không gian văn hóa riêng của đô thị Biên Hòa” - ông Dũng nhấn mạnh.

* Giữ “hồn” cho Cù lao Phố

Không chỉ là vùng đất di sản, với sự “bao bọc” của sông Đồng Nai và sông Cái, từ lâu Cù lao Phố đã được xem là vùng đất có địa thế “vàng” để phát triển.

Ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai: Khi đã có quy hoạch cho Cù lao Phố rồi thì các hoạt động xây dựng, phát triển phải đi theo quy hoạch đó. Đồng thời, để phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng của mảnh đất Cù lao Phố cần thiết phải phát triển du lịch văn hóa. Cù lao Phố có rất nhiều cơ sở tín ngưỡng nổi tiếng, do đó cần gắn kết du lịch văn hóa với những cơ sở này để làm nổi bật các giá trị.

Cũng vì thế mạnh về vị trí, một thời Cù lao Phố đã được ấp ủ để xây dựng thành trung tâm thương mại lớn với tham vọng biến nơi đây trở thành một “Singapore thu nhỏ”. Tuy nhiên sau đó, xét thấy quy hoạch trung tâm thương mại tại Cù lao Phố không hợp lý bằng chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành trung tâm thương mại, tỉnh đã có quyết định điều chỉnh quy hoạch Cù lao Phố.

Theo quy hoạch mới, Cù lao Phố sẽ là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử văn hóa với bề dày hơn 300 năm của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, cũng như sẽ trở thành “lá phổi xanh” của thành phố.

Ông Nguyễn Kinh Kha, Trưởng phòng Thiết kế Công ty kiến trúc ATA (đơn vị lập quy hoạch phân khu Cù lao Phố, trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh) cho biết, trong quy hoạch mới, khu chức năng trung tâm văn hóa - lịch sử và khu công viên cây xanh sẽ là 2 khu vực trọng tâm của Cù lao Phố. Điều này sẽ đảm bảo cho Cù lao Phố vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo còn lưu giữ cũng như vừa thực hiện được chức năng trở thành “lá phổi xanh” của đô thị Biên Hòa.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng đề nghị trong phương án quy hoạch phân khu Cù lao Phố phải giữ nguyên trạng các công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo. Bởi, Cù lao Phố là vùng đất có vai trò đặc biệt trong tiến trình mở cõi phương Nam của dân tộc ta nói chung và Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng. Việc giữ nguyên trạng các công trình này sẽ tạo ra nét riêng không chỉ cho Cù lao Phố mà cho cả đô thị Biên Hòa.

Chùa Ông, một trong 4 di tích cấp quốc gia đang được lưu giữ trên đất Cù lao Phố
Chùa Ông, một trong 4 di tích cấp quốc gia đang được lưu giữ trên đất Cù lao Phố

Góp ý cho phương án quy hoạch Cù lao Phố, nhiều kiến trúc sư chia sẻ, đối với khu vực các công trình di tích cần nêu bật được các đánh giá cụ thể chi tiết trên bản đồ hiện trạng về các công trình hạng mục và khu vực cần xem xét bảo tồn, di dời hoặc nâng cấp. Trong đó, cần phân định rõ sự quan trọng cần thiết của khu vực đất công trình lịch sử bảo tồn, khoảng cây xanh bảo tồn và cách ly cần thiết bắt buộc theo Luật Bảo tồn di sản. “Từ đó triển khai thành lập bản đồ di sản cho khu vực Cù lao Phố, trên cơ sở đó mới tiến hành việc tổ chức quy hoạch phân khu chức năng đảm bảo tính hợp lý và khả thi” - kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Dũng nêu quan điểm.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tiến hành khảo sát, bổ sung các vị trí, quy mô khu vực làng nghề lâu đời tại Cù lao Phố. Xác định các yếu tố cần thiết để đưa vào trong quy hoạch các không gian khu ở hiện hữu chỉnh trang, kết hợp với yếu tố khai thác du lịch, văn hóa, lịch sử tạo bản sắc riêng cho Cù lao Phố.

Cũng theo kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Dũng, đối với các khu nhà ở cao tầng, trục trung tâm theo định hướng kết nối giao thông với trục từ hướng trung tâm của TP.Biên Hòa với Cù lao Phố ở phía Bắc trong hồ sơ quy hoạch chung cần xem xét dịch chuyển tuyến này một đoạn về phía Nam của cù lao. Bởi đây là khu vực đất trống, ruộng vườn, từ đó tránh ảnh hưởng các khu vực mang giá trị lâu đời cần bảo tồn tại khu dân cư ấp Nhị Hòa, phường Hiệp Hòa.           

  Lê Văn

Tin xem nhiều