Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh cải cách hành chính: Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

02:01, 28/01/2019

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong năm 2018, công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện, triển khai quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong năm 2018, công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện, triển khai quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở.

* Đổi mới, hoàn thiện

Sau hơn một năm rưỡi đi vào hoạt động, Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai được Trung ương đánh giá là mô hình hay trong công tác cải cách thủ tục hành chính.

Đồng Nai đã có nhiều sáng tạo đổi mới trong công tác cải cách hành chính với sự thành công của mô hình phi địa giới hành chính trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ cho người dân (người dân còn có thể lựa chọn nộp hồ sơ tại nhà qua bưu điện, đối với thủ tục đất đai có thể nộp hồ sơ ở Trung tâm hành chính công tỉnh hoặc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện). Việc ứng dụng các phần mềm tiện ích trong cải cách hành chính như: ứng dụng Zalo trong tra cứu tình trạng hồ sơ, nhắn tin SMS thông báo lấy kết quả... cũng là cách làm hay của Đồng Nai trong công tác cải cách hành chính.

Bộ phận một cửa UBND huyện Trảng Bom đã triển khai mô hình hoạt động giống Trung tâm hành chính công tỉnh thu nhỏ, đã đưa thêm một số thủ tục hành chính ngành dọc vào tiếp nhận tại đây
Bộ phận một cửa UBND huyện Trảng Bom đã triển khai mô hình hoạt động giống Trung tâm hành chính công tỉnh thu nhỏ, đã đưa thêm một số thủ tục hành chính ngành dọc vào tiếp nhận tại đây

Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết hiện nay trung tâm vẫn không ngừng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng, thích nghi với nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phạm Việt Phương cho biết trong năm 2019, Đồng Nai tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Theo đó sẽ hoàn thiện phần mềm một cửa Egov tại Trung tâm hành chính công; hoàn thiện trục liên thông gửi nhận văn bản điện tử của tỉnh làm cơ sở xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc; xây dựng cơ sở dữ liệu địa phương; thí điểm số hóa hồ sơ, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến...

Trong năm 2018, trung tâm đã bổ sung thêm quầy tiếp nhận thủ tục hành chính của Ban Quản lý các khu công nghiệp; triển khai thêm các dịch vụ công cần thiết như: công chứng, chứng thực, điện, nước... để tạo thuận lợi cho người dân, thực hiện theo đúng phương châm ban đầu là người dân chỉ cần đến một nơi có thể làm tất cả các tục hành chính thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh.

Việc đưa hoạt động công chứng, chứng thực vào Trung tâm hành chính công tỉnh được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Ông Nguyễn Minh Hưng (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) nhận xét: “Khi làm thủ tục nào cần giấy tờ công chứng thì làm tại chỗ mà không phải quay về UBND phường hoặc ra văn phòng công chứng như trước đây, đỡ phải mất thời gian, đi lại nhiều lần, rất tiện lợi cho người dân”.

Một trong những kết quả nổi bật của Trung tâm hành chính công tỉnh chính là trong năm 2018 tiếp tục nhận được phản hồi tốt của người dân. Theo hệ thống khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên phần mềm một cửa tại Trung tâm hành chính công tỉnh (qua màn hình cảm ứng) đạt trên 99% hài lòng về công tác tiếp nhận và trả kết quả tại trung tâm.

Việc mở thêm quầy công chứng tại Trung tâm hành chính công tỉnh đã tạo thuận lợi hơn cho người dân
Việc mở thêm quầy công chứng tại Trung tâm hành chính công tỉnh đã tạo thuận lợi hơn cho người dân

“Có thể nói tinh thần làm việc của cán bộ, công chức các sở, ngành làm việc tại trung tâm rất trách nhiệm. Ngoài việc chấp hành tốt về giờ giấc, việc tiếp đón, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cũng được thực hiện chu đáo, tận tình. Nhiều công chức sẵn sàng làm hết việc chứ không hết giờ để người dân không phải đi lại nhiều lần” - Giám đốc Trung tâm hành chính công Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết.

Một trong những quầy khá đông người dân đến giao dịch là quầy của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai, thuộc Sở Tài nguyên - môi trường, nơi tiếp nhận giải quyết hồ sơ đất đai của TP.Biên Hòa và một số huyện, trung bình 50 hồ sơ/ngày. Chị Đặng Thị Mỹ Kiều, công chức tiếp nhận hồ sơ cho biết, từ ngày ra tiếp nhận hồ sơ tại trung tâm công việc nhiều, áp lực lớn. Nhiều lúc hết giờ làm việc nhưng vẫn còn khách ngồi chờ, chị vẫn tiếp tục nán lại để giải quyết xong hồ sơ cho khách.

“Để thích ứng được với công việc, bản thân tôi ngoài thành thạo trong sử dụng các phần mềm chuyên môn, còn phải luôn tự cập nhật kiến thức pháp luật liên quan đến đất đai để có thể hướng dẫn, giải thích cho người dân chuẩn xác nhất” - chị Kiều tâm sự.

* Thúc đẩy sáng tạo

Mô hình hoạt động của Trung tâm hành chính công tỉnh đã được nhân rộng thực hiện tại các địa phương trong tỉnh. Những “trung tâm hành chính công thu nhỏ” được ứng dụng vào bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện (gọi tắt là bộ phận một cửa). Trong năm 2018, các huyện đã rà soát, bổ sung một số thủ tục hành chính của ngành dọc vào tiếp nhận tại bộ phận một cửa nhằm tạo thuận lợi cho người dân như: thuế, kho bạc, giấy chứng minh nhân dân, cấp đổi giấy phép lái xe...

Thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe đã liên thông về các huyện nhờ bưu điện. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại Bộ phận một cửa UBND huyện Long Thành
Thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe đã liên thông về các huyện nhờ bưu điện. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại Bộ phận một cửa UBND huyện Long Thành

Với sự nỗ lực, trong năm 2018, UBND huyện Trảng Bom đã hoàn thiện bộ phận một cửa giống như một “trung tâm hành chính công tỉnh” thu nhỏ. Với 14 quầy làm việc, ngoài tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính thông thường như: đất đai, tư pháp, cấp giấy phép kinh doanh, môi trường, lao động thương binh - xã hội... huyện cũng triển khai các hoạt động khác để tiện lợi cho người dân như: thuế, kho bạc, công chứng, chứng thực, cấp giấy chứng minh nhân dân, cấp đổi giấy phép lái xe...

Đồng Nai xếp hạng 3 về chỉ số cải cách hành chính

Vào tháng 5-2018, Bộ Nội vụ công bố chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, chỉ số cải cách hành chính của Đồng Nai năm 2017 đạt 84,52 điểm, xếp hạng thứ 3/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 1 hạng so với năm 2016).

Chị Nguyễn Thị Mai Thi (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cho biết trước đây, muốn làm giấy chứng minh nhân dân phải qua Công an huyện, mỗi tuần chỉ làm việc vào ngày thứ sáu, sáng thứ bảy. Hiện nay, muốn làm giấy chứng minh nhân dân chỉ cần đến một cửa của huyện vào giờ làm việc từ thứ hai đến thứ sáu nên rất tiện lợi cho người dân, nhất là những người làm công nhân, xin nghỉ làm rất khó khăn.

Bên cạnh sự nỗ lực đổi mới của các địa phương, các sở, ngành cũng có nhiều đổi mới trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Điều đáng ghi nhận trong năm 2018 là tỷ lệ nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến tăng cao; trong đó có một số đơn vị có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến cao trên 85% như: Sở Công thương, Sở Ngoại vụ, Sở Khoa học - công nghệ.

Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng cho biết, các thủ tục hành chính của sở đều được tiếp nhận và giải quyết qua mạng ở mức độ 3 và mức độ 4. Trong năm 2018, sở tiếp nhận hơn 8,4 ngàn/hơn 9,7 ngàn hồ sơ trực tuyến (chiếm 86,93%). Để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nộp hồ sơ trực tuyến, sở có hướng dẫn quy trình cụ thể trên trang web của sở; đồng thời công chức tiếp nhận hồ sơ cũng trực tiếp hướng dẫn qua điện thoại khi người dân, doanh nghiệp thắc mắc để kịp thời hướng dẫn thực hiện đúng quy trình.

Thời gian qua, Sở Tài nguyên - môi trường cũng có nhiều nỗ lực trong ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính. Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Thường cho biết sở đã xây dựng một số ứng dụng công nghệ thông tin được người dân, doanh nghiệp đánh giá có hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai gồm phần mềm DNAI.LIS được cài đặt vào các thiết bị di động để tham khảo những thông tin về quy hoạch đất đai. Đặc biệt từ đầu năm 2018, sở ứng dụng phần mềm chuyển thuế điện tử giúp rút ngắn thời gian luân chuyển, giải quyết hồ sơ nhờ sử dụng chữ ký điện tử và các file scan hồ sơ, hướng tới sẽ hoàn toàn thực hiện trên điện tử không thực hiện trên hồ sơ giấy như hiện nay.

Không ngừng tự học hỏi, rèn luyện

 Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Lê Hoàng Ngọc cho biết, Đồng Nai đã đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hoạt động của đơn vị, địa phương. Hiện nay tỉnh đang nâng cấp khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Đồng Nai lên phiên bản 2.0; đồng thời đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ định hướng phát triển thành phố thông minh. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực nắm chắc các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong từng ngành, nghề mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Do đó, mỗi cán bộ, công chức phải luôn tự học hỏi, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, tin học để không bị lạc hậu, tụt lùi trong thời công nghệ 4.0 với việc ứng dụng công nghệ mạnh mẽ như hiện nay.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều