Báo Đồng Nai điện tử
En

Vùng "chiến sự" thời bình

01:02, 16/02/2015

Đó là một vùng sơn cước thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, nơi được Chính phủ đồng ý cho Bộ Quốc phòng quy hoạch xây dựng Trường bắn Quốc gia khu vực III (Trường bắn Mây Tào). Năm nào cũng vậy, khi những chậu mai vàng bắt đầu được vặt lá chuẩn bị cho mùa trổ bông mừng Xuân mới, thì vùng đất này lại rung chuyển bởi những "trận chiến" ác liệt của các đơn vị quân đội khu vực phía Nam.

Đó là một vùng sơn cước thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, nơi được Chính phủ đồng ý cho Bộ Quốc phòng quy hoạch xây dựng Trường bắn Quốc gia khu vực III (Trường bắn Mây Tào). Năm nào cũng vậy, khi những chậu mai vàng bắt đầu được vặt lá chuẩn bị cho mùa trổ bông mừng Xuân mới, thì vùng đất này lại rung chuyển bởi những “trận chiến” ác liệt của các đơn vị quân đội khu vực phía Nam.

Ngụy trang lực lượng và phương tiện vượt sông
Ngụy trang lực lượng và phương tiện vượt sông. (Ảnh: Tùng Sơn)

Những năm gần đây, nhiệm vụ diễn tập của các đơn vị được thực hiện theo phương châm chiến đấu  hiệp đồng quân binh chủng, với sự tham gia của nhiều loại vũ khí, phương tiện, khí tài quân sự hiện đại như: Máy bay Su30 MK2, Su22, trực thăng vũ trang, xe tăng, thiết giáp, các loại pháo hạng nặng…, tổ chức cơ động bằng cả đường bộ, đường thủy và đường không. Những “trận đánh” lớn ấy chính là những cuộc sát hạch tổng hợp khả năng phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị quân, binh chủng, nhằm củng cố sức mạnh, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội, kiên quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống…

Vượt sông vào trận địa

Thiếu tướng Võ Trọng Hệ, Tư lệnh Quân đoàn 4 mắt không rời tấm bản đồ quân sự do cơ quan tham mưu bày ra trước mặt. Sau khi chăm chú theo dõi báo cáo của sĩ quan tham mưu Sư đoàn 9 về ý định chọn địa điểm làm bến vượt sông cho đội hình hành quân diễn tập, ông cầm cây bút chì khoanh một vòng lên một địa điểm trên sơ đồ rồi nói gọn: “Chỗ này”!

 “Chỗ này” trên thực địa là một bến vượt ở khu vực khá hoang vắng, cách xa các khu dân cư bên bờ sông Đồng Nai, nơi lòng sông rất rộng, lục bình từ thượng nguồn kết thành từng mảng lập lờ. Hai bên bờ là những trảng cây cối um tùm, rất thuận tiện cho công tác ngụy trang, ém, trú quân bí mật. Thiếu tướng Võ Trọng Hệ lệnh cho cơ quan tham mưu và chỉ huy Lữ đoàn Pháo binh 434 gấp rút cải tạo nơi này thành bến vượt cho đội hình hành quân.

Trận địa pháo phòng không khai hỏa (ảnh Xuân Cường)
Trận địa pháo phòng không khai hỏa. (Ảnh: Xuân Cường)

Là những nhà báo được ưu tiên theo chân đội hình các đơn vị vượt sông làm nhiệm vụ diễn tập, chúng tôi có cơ hội chứng kiến quá trình thực hiện diễn tập hiệp đồng chiến đấu quân binh chủng giữa Quân đoàn 4 và các đơn vị quân, binh chủng của Bộ Quốc phòng ở phía Nam ngay từ giai đoạn chuẩn bị. Đại tá Lê Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Pháo binh 434, cho biết: Đây là lần đầu tiên kể từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Quân đoàn 4 tổ chức cho pháo binh và các loại hỏa lực hạng nặng vượt sông Đồng Nai làm nhiệm vụ diễn tập hiệp đồng chiến đấu. Trước đây, nội dung vượt sông chỉ dành cho đội hình bộ binh. Pháo binh và các loại hỏa lực hạng nặng cơ động làm nhiệm vụ bằng đường bộ. Việc đưa pháo binh vượt sông là một quyết định táo bạo, đầy quyết tâm của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, được Bộ Tổng tham mưu – Bộ Quốc phòng phê chuẩn. Để cơ động phương tiện, vũ khí trang bị cồng kềnh, trọng lượng lên đến hàng chục tấn qua sông trong điều kiện vượt vào ban đêm, thiếu bến vượt chuyên dụng, là một thách thức cực lớn. “Đặc thù của pháo binh khi hành quân là phương tiện kéo pháo chỉ có tiến chứ không thể lùi. Vì vậy mọi thao tác kỹ thuật, ý thức chiến thuật khi vượt sông phải được huấn luyện tỉ mỉ, chu đáo, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, không để xảy ra sơ suất dù là nhỏ nhất.” – Đại tá Lê Văn Sơn nói.

Đêm! Chúng tôi bám đội hình hành quân men theo những cánh rừng tràm và trảng cây um tùm. Lệnh vượt sông được phát ra. Phà tự hành của Lữ đoàn Công binh 550 nhanh chóng thả những đốt phao, kết thành  cầu phao nối đôi bờ sông Đồng Nai. Những chiếc xe chở pháo theo đội hình lần lượt rời vị trí tập kết lên phà, qua sông. Đội hình bộ binh của Sư đoàn 9 cũng lần lượt vượt sông. Sau khi vượt qua sông Đồng Nai, các đơn vị hành quân trong trạng thái chiến đấu về Trường bắn Quốc gia khu vực III ở Xuân Lộc, lực lượng Công binh cũng nhanh chóng thu phà, xóa dấu vết, bảo đảm yếu tố bí mật.

Theo Thiếu tướng Võ Trọng Hệ, địa hình miền Đông Nam bộ rất đa dạng, bao gồm cả đồi núi cao nguyên, đồng bằng, sông rạch, biển và đặc biệt là nơi tập trung nhiều đô thị lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Khi xảy ra tình huống chiến tranh, các đơn vị vũ trang phải hành quân chiến đấu trong điều kiện địch bắn phá ác liệt. Vì vậy,  phải chuẩn bị đầy đủ các phương án, các đơn vị phải có kỹ năng cơ động nhanh, gọn, an toàn, chính xác trong mọi hoàn cảnh, trên mọi địa hình. Hành quân vượt sông là nội dung quan trọng trong diễn tập chiến đấu, đảm bảo cho lực lượng giữ được bí mật, bất ngờ, chiến đấu giành thắng lợi.

Vùng “chiến trận” ở Xuân Lộc

Vào dịp cận Tết hàng năm là “mùa” diễn tập của các đơn vị quân đội. Khoảng thời gian này, toàn bộ khu vực Trường bắn Mây Tàu được coi như “vùng chiến trận”, được bảo vệ nghiêm ngặt. Chính quyền và nhân dân địa phương được thông báo về nhiệm vụ diễn tập để có sự phối hợp chặt chẽ. Mỗi đơn vị có quy mô diễn tập khác nhau. Trong các cuộc diễn tập chiến đấu hiệp đồng quân binh chủng, kịch bản giả định là những trận chiến đấu quy mô lớn bảo vệ Tổ quốc trong tình huống địch sử dụng vũ khí công nghệ cao tấn công, chiếm đóng. Các đơn vị bộ binh chủ lực phối hợp với lực lượng của Sư đoàn Không quân 370, Sư đoàn Phòng không 367 và các đơn vị xe tăng, pháo binh, công binh, thông tin liên lạc, hóa học… triển khai lực lượng, phương tiện khí tài tổ chức chiến đấu. Các cuộc diễn tập được tổ chức sát yêu cầu nhiệm vụ và thực tế chiến đấu nên đòi hỏi rất cao ở khả năng chỉ huy, phối hợp hiệp đồng và trình độ tác chiến của bộ đội. Kết quả diễn tập những năm qua cho thấy, các lực lượng đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo “kịch bản” đề ra. Tỷ lệ ném bom, bắn rốc-két trúng mục tiêu của các loại máy bay, trực thăng chiến đấu đạt gần 100%. Các loại pháo binh, pháo phòng không, hỏa lực xe tăng… đều tiêu diệt mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu. Lực lượng của các đơn vị có đủ trình độ, kỹ năng quản lý, khai thác, làm chủ các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại.

Đội hình xe tăng xung trận (ảnh Xuân Cường)
Đội hình xe tăng xung trận. (Ảnh: Xuân Cường)

 Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái khẳng định: Đồng Nai giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh của khu vực Nam Bộ và cả nước. Lãnh đạo tỉnh nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của công tác luyện quân trong thời bình. Với chủ trương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, hệ thống phòng thủ khu vực vững chắc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt coi trọng việc phối hợp với các đơn vị LLVT trên địa bàn trong các hoạt động quân sự. Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu. Việc hỗ trợ, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị quân đội tổ chức diễn tập trên địa bàn tỉnh cũng chính là cơ hội giúp cho lãnh đạo và LLVT tỉnh nâng cao khả năng chỉ đạo, điều hành, tổ chức huấn luyện, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc.                  

PHAN TÙNG SƠN

                      

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều