Báo Đồng Nai điện tử
En

Vi vu diều sáo Đình Chiến

10:02, 16/02/2015

Ông Quan Hằng Cao, một người Anh gốc Việt, là chuyên gia diều quốc tế được mời làm cố vấn kỹ thuật và làm cầu nối trong việc mời nghệ nhân trên thế giới tham dự 5 lần liên hoan diều quốc tế được tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: "Tham gia nhiều liên hoan diều trên thế giới, nhưng cánh diều vừa bay vươn được vừa phát ra tiếng kêu trầm bổng chỉ có ở Việt Nam. Đó là chiếc diều sáo".

Ông Quan Hằng Cao, một người Anh gốc Việt, là chuyên gia diều quốc tế được mời làm cố vấn kỹ thuật và làm cầu nối trong việc mời nghệ nhân trên thế giới tham dự 5 lần liên hoan diều quốc tế được tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Tham gia nhiều liên hoan diều trên thế giới, nhưng cánh diều vừa bay vươn được vừa phát ra tiếng kêu trầm bổng chỉ có ở Việt Nam. Đó là chiếc diều sáo”.

 Đình Chiến với diều sáo.
Đình Chiến với diều sáo.

Ngay ở Việt Nam, chỉ có người dân sống ở đồng bằng Bắc bộ mới có kinh nghiệm chơi loại diều sáo khá là độc đáo và mang nét đặc trưng Việt này như là một bộ môn thể thao dân gian truyền thống.

* Tiệm may nhỏ làm diều sáo lớn

Thế nhưng đối với người ngoài giới chơi diều, ít ai biết, hiện hàng ngàn cánh diều sáo xuất hiện trên bầu trời nhiều tỉnh miền Bắc; đặc biệt là trong các hội thi diều truyền thống ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình.., phần lớn loại diều này được sản xuất ở một tiệm may rất nhỏ, nằm khiêm tốn trong một con hẻm tại số nhà 72 thuộc tổ 6, KP.2, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Giới chơi diều trong cả nước gọi những chiếc diều ra đời ở đây là diều Đình Chiến. Do người thợ may loại áo diều nổi tiếng này có tên là Huỳnh Đình Chiến. Quê Bến Tre, năm nay vừa đúng 44 tuổi, Huỳnh Đình Chiến còn là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ diều Đồng Nai, trong đó hơn 20 thành viên đều là dân gốc Bắc, phần lớn nhà ở Hố Nai, nhiều người vẫn trân trọng kêu “ông Chiến Nam kỳ” bằng... thầy; đặc biệt là dân chơi diều sáo ở miền Bắc! Lối xóm chung quanh tiệm may Trung Hiếu thì gọi Huỳnh Đình Chiến một cách thân thiện hơn là… anh Hiếu thợ may

15 năm trước, trước sự phát triển ồ ạt của cửa hàng thời trang với áo quần may sẵn, vợ chồng thợ may Huỳnh Đình Chiến và Cao Thị Bạch Hoa đành rời bỏ quê hương Đồng Khởi dắt nhau lên Biên Hòa tìm mướn căn nhà nhỏ trong hẻm ở Tân Hiệp mở tiệm may sinh sống đắp đổi qua ngày. Vào khoảng năm 2010, khi cuộc sống đã tương đối ổn định, trong một lần có dịp lên Hố Nai, nhìn thấy cảnh thả diều và nghe tiếng sáo du dương toát ra từ cánh diều đã làm anh thợ may mê mẩn. Lân la tìm hiểu, Đình Chiến biết được diều thường được làm bằng giấy bản hoặc giấy dó và bện dây thả nên cánh diều rất nặng, không bay cao, bay xa được và bộ sáo cũng chưa tạo ra được nhiều âm sắc lắm, bèn để tâm nghiên cứu.

Sau khi đã “giải phẫu” làm tanh bành hết một bộ diều sáo, mà vẫn thất bại, Đình Chiến nhận ra được kỹ thuật làm diều ngoài việc nắm vững nguyên tắc khí động học để nâng cánh diều bay cao, bay chuẩn; còn phải biết cách điều chỉnh để bộ sáo phát ra âm thanh trầm bổng mới đạt. Thế là anh lên Hố Nai tìm gặp ông  Nguyễn Văn Bình (hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ diều Đồng Nai) xin được bái sư. Thấy một anh chàng Nam kỳ lại mê diều sáo, mà nói năng lịch sự đàng hoàng, ông Bình đem hết mọi sở đắc về diều sáo ra truyền dạy, trong đó kỹ thuật chỉnh âm cho bộ sáo mà ông đã dày công nghiên cứu và nắm được bí quyết.

* Nổi tiếng nhờ tiếng sáo diều

Với kinh nghiệm gần 20 năm làm nghề thợ may quần áo, Đình Chiến đã chọn ra được một loại vải siêu mỏng làm cánh diều và tỉ mỉ đục, khoét lỗ sáo tre một cách khéo léo để khi diều bay lên cao, nó có thể phát ra âm thanh như dàn nhạc giao hưởng.

Chiếc sáo to nhưng rất nhẹ.
Chiếc sáo to nhưng rất nhẹ.

Tại Festival diều quốc tế lần thứ I được tổ chức ở Vũng Tàu năm 2011, Đình Chiến dự thi diều sáo, được ban tổ chức liên hoan trao giải nhì diều một dây có xương (!!?). Thế nhưng, tên tuổi Đình Chiến bỗng dưng lại được giới chơi diều biết đến và hết sức ngưỡng mộ. Nhiều nơi tới tấp đặt may áo diều. Thương hiệu diều Đình Chiến ra đời. Các hội quán diều sáo ở miền Bắc còn mời Đình Chiến ra tận nơi để tham gia vào việc chuẩn bị khâu kỹ thuật cho hội thi. Chưa đầy 4 năm, Đình Chiến đã cho xuất xưởng khoảng 2.000 cánh diều các cỡ, trong đó có 500 cánh diều sáo mang quốc kỳ trang trí cho lễ hội. Vừa làm vừa tìm tòi, nghiên cứu học hỏi thêm qua sách vở, tài liệu, mạng internet… hiện nay Đình Chiến nắm được khá vững kỹ thuật thiết kế diều của một số nước có thế mạnh về bộ môn này, như: Trung Quốc, Mông Cổ, Đức, New Zealand, Campuchia, Nhật, Hàn… Qua đó, anh có thể may được diều pilot kiểu Mỹ chuyên kéo băng rôn loại lớn bay trên bầu trời; đặc biệt là thành thạo cả “gu” chơi diều cánh phẳng của Hải Phòng, diều cánh cong của Thái Bình…nên khách hàng chỉ cần đưa yêu cầu qua internet, thế là từ Đồng Nai, Đình Chiến đáp ứng một cách trọn vẹn. Cuối năm rồi, tại hội thi thả diều Việt Nam lần thứ 3-2014 tổ chức ở Cần Giờ, Huỳnh Đình Chiến cũng đã “bợ” được giải nhì môn diều sáo vượt câu liêm và 2 giải khuyến khích môn diều không xương một dây và diều bằng một dây.

Mới bước vào năm mới 2015, Đình Chiến đã nhận được một hợp đồng thực hiện lô hàng 20 cánh diều cỡ lớn: 5m, trong đó có 2 con diều cỡ “khủng”: 10m.

Võ Thế Anh

                                                                  

 

 

 

 

Tin xem nhiều