Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản vật vùng nước lợ

12:02, 16/02/2015

Miệt sông nước Nhơn Trạch – Long Thành có những sản vật nước lợ không kém phần đặc sắc: cá đối, cá nâu, chem chép, bạch tuộc, cua, tôm… cho đến kèo nèo, rau chạy, bông súng…

Miệt sông nước Nhơn Trạch – Long Thành có những sản vật nước lợ không kém phần đặc sắc: cá đối, cá nâu, chem chép, bạch tuộc, cua, tôm… cho đến kèo nèo, rau chạy, bông súng…

Nhất thủy sản Lòng Tàu!

Những ngày cuối năm, các ghe đánh bắt cá trên những con sông nước lợ Thị Vải, Lòng Tàu và Đồng Tranh của huyện Nhơn Trạch về sớm hơn mọi khi. Mới hơn 2 giờ sáng, thay vì là 3 giờ như thường lệ các ghe đánh bắt đã cập cảng cá Phước An (nơi dự kiến xây dựng chợ nổi).

Du khách tham quan nơi người dân đánh bắt đặc sản cá nâu nước lợ ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch
Du khách tham quan nơi người dân đánh bắt đặc sản cá nâu nước lợ ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Trong khi ngư dân xã Phước An, huyện Nhơn Trạch đang thu hoạch cá đánh được sau một đêm vất vả trên sông nước

Anh Nguyễn Minh Trí quê ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, người gần 10 năm đi đóng đáy trên con sông Lòng Tàu cho hay, lượng hải sản bắt được ít hay nhiều phụ thuộc vào con nước, nhưng thường ở cuối năm lượng hải sản vẫn nhiều hơn trung bình các tháng trong năm.

Do được đánh bắt từ thiên nhiên nên thủy sản vùng này luôn hút khách. Mỗi buổi đưa hàng về trong ghe của anh Trí trộn đủ thứ: tôm, cua, cá, mực, thậm chí cả nghêu, chem chép. Đa dạng nhất là cá, có đến hàng chục loại. Hải sản nước lợ ăn có vị khác một chút so với hải sản nước mặn và nước ngọt, không quá mặn mòi vị muối như hải sản, thơm ngọt vừa đủ, có lẽ vì chúng “ngậm” cả sự ngọt ngào của nước sông lẫn vị đậm đà của nước mặn. Cũng vì lẽ đó mà hải sản vùng sông nước này trở thành đặc sản. Anh Nguyễn Ngọc Đức, quê ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch chuyên mua gom hải sản ở đây phân phối cho các thương lái, cho biết một lượng lớn hải sản ở đây được đưa về Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Mỗi ngày các ghe đưa về đây khoảng 1 tấn hải sản các loại.

Theo những ngư dân làm nghề đánh bắt thủy sản ở Nhơn Trạch, trước đây các loại cua, ghẹ, bạch tuộc, chem chép, cá nâu... rất sẵn. Có những ngày nước tốt, một ghe đánh bắt được trên 100 kg cá, tôm/ngày. Những hơn 10 năm trở lại đây nước trong các kênh rạch, sông dần bị ô nhiễm, thủy sản cũng giảm dần. "Trước đây, sông Lòng Tàu, Thị Vải chưa ô nhiễm có ngày tôi đánh bắt được trên trăm ký tôm, cá các loại. Nhưng giờ ngày nào may mắn cũng chỉ được 20-30 kg, có những ngày phải về tay không", ông Huỳnh Văn Phu tâm sự. Có lẽ do đặc sản nước lợ không còn nhiều nên giá tăng dần, có loại tăng gấp 2-3 lần như cá nâu, bạch tuộc trước 40-50 ngàn đồng/kg, còn hiện có khi lên đến gần 200 ngàn đồng/kg, cá đối trước 30-40 ngàn đồng/kg hiện lên hơn 100 ngàn đồng/kg, sam khi trước bán không có người mua, song hiện thương lái mua giá trên 10 ngàn đồng/con.

Nhậu ở đầm tôm

Một lần đi viết về vùng dừa nước ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch), tôi có dịp ghé thăm khu đầm nuôi tôm, cá của vợ chồng bà Trần Thị Bỉ, tình cờ được tham gia “bữa nhậu” của gia chủ. Thấy có khách ghé thăm, chủ nhà gỡ thêm vài con cua trong giỏ đang chờ giao hàng cho thương lái hấp lên mời khách.

Sau một đêm vất vả lênh đênh trên sông nước ngư dân xã Phước An, huyện Nhơn Trạch đang thu hoạch cá đánh được.
Mua bán đặc sản vùng sông nước lợ tại một đại lý thủy sản xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch

Cảm giác thú vị khi được ngồi nhâm nhi trong chòi lá giữa vùng đầm nước mênh mông, mát rượi màu xanh lá dừa nước không dễ nơi nào có. Bàn nhậu chỉ có tô canh chua cá đối với dĩa cua và vài con tôm hấp nhưng lại hấp dẫn không gì sánh được. Các thành viên trong bàn nhậu đều là những người nông dân chân chất, nhiệt tình, rôm rả với câu chuyện về mùa vụ, cá tôm, sông, nước. Ngồi góp vui trên chiếc võng ở góc chòi, bà Bỉ tỉ tê kể chuyện xưa đất hoang hóa nhiều, ai có sức thì cứ bỏ công đi đánh bắt cá tôm, khai thác dừa nước về nuôi con. Giờ những đầm dừa nước đều có chủ, vợ chồng bà cũng thuê đầm nước của người ta để nuôi tôm, cá. Lớn tuổi rồi không còn sức để đi chặt dừa nước, bà cho người quen vào khai thác, công việc của hai vợ chồng chủ yếu là trông coi, quản lý khu đầm không để người lạ vào đánh bắt. “Chúng tôi không tổ chức đánh bắt mà thường đặt lờ hoặc khi xả cống, có con cá, con cua nào chạy vào cống thoát nước thì bắt bán cho thương lái nên cứ thu hoạch lai rai quanh năm, thường mỗi ngày chỉ bán vài ba kg cua, cá các loại”- bà Bỉ nói.

Bà Võ Thị Thu Nguyệt, người chuyên thu mua thủy sản nước lợ tại huyện Nhơn Trạch, cho biết bà thu mua cá, tôm từ những thuyền chài đánh bắt ngoài tự nhiên hoặc các chủ đầm mang đến bán. Ngày nhiều thì được vài chục kg, có khi chỉ được vài kg. Cá, tôm nuôi ngoài đầm thịt cũng chắc, thơm như hàng ngoài thiên nhiên nên bạn hàng rất chuộng, thường cung không đủ cầu. Đặc sản nước lợ rất đa dạng về chủng loại: cua, bạch tuộc, cá ngát, cá chẽm…Các sản vật này có quanh năm nhưng thường dồi dào hơn vào mùa nước nổi (từ tháng 7 âm lịch đến tháng 3, tháng 4 năm sau). Mùa này, cá, tôm ăn chắc thịt, ngon ngọt hơn. Đây cũng là mùa duy nhất trong năm thực khách được thưởng thức cua gạch son, một đặc sản ngon có tiếng của vùng đất dồi dào sản vật này. Hàng thường được đóng đưa về các chợ, vào nhà quán ăn, nhà hàng lớn ở Biên Hòa, TP. Hồ Chí Minh.

Khó quên bạch tuộc, cá đối, cá nâu….

Về Nhơn Trạch nếu không thưởng thức thủy sản thì thật đáng tiếc. Bởi các món tôm, cua, ghẹ hấp, bạch tuộc nhúng dấm, chem chép xào sả, cá mao ếch nướng muối ớt, cá nâu nấu cnah chua… và nhiều loại đặc sản khác, ăn một lần khó quên nổi hương vị.

Các loại đặc sản vùng nước lợ ở huyện Nhơn Trạch tập trung ở các xã Long Thọ, Phước An, Đại Phước, Phước Khánh. Khu vực này gần sông và cách biển không xa nên nước mặn ra vào thường xuyên hòa với nước ngọt từ các sông suối đổ ra tạo thành vùng nước lợ với nhiều đặc sản như: tôm, cua, ghẹ, bạch tuộc, chem chép, cá nâu, cá đối, cá hường, sam...

Các loại cá, cua vùng nước lợ như: cá đối (ảnh trái, phía trên), cá mao (ảnh phải, phía trên), cua (ảnh trái, phía dưới) và cá nâu (ảnh phải, phía dưới - đặc sản vùng nước lợ Nhơn Trạch).
Các loại cá, cua vùng nước lợ như: cá đối (ảnh trái, phía trên), cá mao (ảnh phải, phía trên), cua (ảnh trái, phía dưới) và cá nâu (ảnh phải, phía dưới - đặc sản vùng nước lợ Nhơn Trạch).

Các loại đặc sản vùng nước lợ ở Nhơn Trạch có thể chế biến thành nhiều món ngon từ đơn giản đến cầu kỳ. Nhưng theo những người sành ăn thì nguyên liệu càng tươi, càng phải chế biến đơn giản để giữ hương vị đặc trưng. Ví như tôm sú, cua, ghẹ, sam… thì chỉ cần hấp chín, bóc vỏ chấm với muối tiêu, vắt thêm vài giọt chanh sẽ thưởng thức hết được vị tươi, dai, ngọt của thịt mà các loại thủy hải sản ở vùng khác khó sánh kịp. Cá nâu hay cá mao ếch thịt trắng, thơm, dai chỉ cần ướp sơ muối ớt nướng trên lửa than hồng hoặc đem nấu cháo thì thơm ngon… khó tưởng.

Ông Châu Ngọc Minh, ấp Bà Trường, xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) kể: "Thủy sản vùng nước lợ có quanh năm, nhưng một số loại nếu trúng mùa thì thịt sẽ ngon hơn. Chẳng hạn cua, ghẹ vào dịp đầu năm và cuối năm sẽ nhiều gạch, thịt lúc này chắc và đậm đà hơn các thời điểm khác. Với thủy sản nước lợ không nên nấu nướng cầu kỳ, vì nêm nhiều gia vị thường làm mất hương vị tự nhiên".

Chị Nguyễn Thị Phượng, ấp Bàu Bông xã Phước An chia sẻ: "Cá đối vùng nước lợ Nhơn Trạch to hơn cá đối nước mặn và nước ngọt, đã có người bắt được con lớn gần 1 kg. Loại cá này thỉ cần nấu với rau ngót hoặc kho tiêu ăn nóng với cơm, thì dù là người kén ăn cũng có thể ăn liền một lúc 2-3 chén cơm. Còn cá nâu, cách chế biến hấp dẫn nhất là nướng muối ớt, muốn dùng làm món ăn cơm thì mang kho mặn".

Nhơn Trạch có 1.658 hécta diện tích nuôi thủy sản nước lợ, trong đó 1.325 hécta nuôi thủy sản theo hình thức quãng canh. Thủy sản nuôi quãng canh rất đa dạng về chủng loại, gồm: cua, tôm, các loại cá…Ở đây, nông dân thả con giống vào các đầm, rạch để chúng sống và tự kiếm ăn như ngoài môi trường tự nhiên. Cá, tôm thả cả năm mới thu hoạch nên chất lượng không thua gì sản vật đánh bắt ngoài tự nhiên, được thị trường rất chuộng và bán được giá cao hơn thủy sản nuôi theo hình thức thâm canh, cho ăn thức ăn công nghiệp. Theo anh Nguyễn Hữu Có, cán bộ phụ trách mảng nông nghiệp tại huyện Nhơn Trạch, mô hình nuôi thủy sản nước lợ theo hình thức quãng canh mang lại lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/hécta/vụ. Nhiều hộ có diện tích nuôi quãng canh rộng hàng chục hécta, thường là diện tích mặt nước đầm, rạch tự nhiên phủ xanh dừa nước và các loại cây nước lợ”.

Riêng bạch tuộc phải giữ còn sống khi nấu ăn mới ngon. Bạch tuộc rửa sạch, bỏ ruột, cắt khúc, chuẩn bị sẵn một bếp nhỏ trên bàn ăn rồi bắc xoong nước dấm lên bàn thêm chút mắm, muối, bột ngọt vào xoong, khi nước dấm sôi bắt đầu thả bạch tuộc vào, đợi chừng 2-3 phút bạch vừa chín vớt ra ăn liền. Bạch tuộc nhúng dấm chấm với muối tiêu chanh đưa vào miệng nhai 1-2 cái đã muốn tếu táo nuốt ngay để ăn tiếp miếng sau. Nhưng muốn thưởng thức hết cái ngon của món bạch tuộc nhúng dấm, phải nhai từ từ sẽ cảm nhận được dòn sần sật của từng râu, miếng thịt bạch tuộc xen lẫn với vị mặn- chua- cay của muối tiêu làm tăng thêm hương vị cho món ăn.

Với con sam, người đánh bắt phải biết cách nếu không cẩn thận nhầm với con so ăn rất nguy hiểm. Hai loại này có hình dạng khá giống nhau, chỉ những người quen nghề chài lưới mới phát hiện được. Theo bà Trần Thị Lê, ấp 5 xã Long Thọ thì con sam có đặc điểm đi đâu cũng theo cặp, còn con so chỉ đi một mình. Sam đực không có giá vì nhỏ, ít thịt. Người thưởng thức hay chọn sam cái vì có nhiều trứng. Muốn làm và thưởng thức món sam phải biết cách. "Sam rửa sạch cho vào xoong luộc sôi khoảng 15 phút sau đó vớt ra để ráo nước cho vào nướng xém cạnh khi nào dậy mùi thơm mới bỏ ra ăn", anh Nguyễn Nhất An người rành ăn sam ở xã Đại Phước nói. Khi ăn sam phải dùng dao nhọn rạch nhẹ theo đường viền mai, sau đó lật ra bên trong sẽ có nhiều chứng sam. Dùng muỗng nhỏ múc trứng sam chấm muối tiêu chanh ăn kèm một vài sợi rau răm sẽ thấy được vị bùi bùi, ngầy ngậy.

Đặc sản cá nâu nước lợ vùng Nhơn Trạch
Những món đặc sản vùng nước lợ như: Cua nước (ảnh trái, phía trên), bạch tuộc nhúng dấm (ảnh trái, phía dưới), cá nâu nấu lẩu (ảnh phải, phía trên) và chem chép hấp chín với lá rau răm (ảnh phải, phía dưới).

Ngoài các loại thủy sản vùng nước lợ thì Nhơn Trạch còn nổi tiếng với món rau chại chuyên mọc ở các bờ bụi ven các kênh rạch. Sau khi thưởng thức thủy sản có thể ăn thêm món rau chại xào tỏi hoặc luộc chấm kho quẹt sẽ thấy bỏ ra một ngày nghỉ đến Nhơn Trạch thăm thú sông nước, rừng ngập mặn và ăn thủy sản, thật không uổng phí.

Kim Ngân – Khắc Giới – Hương Giang – Lê Quyên

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều