Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhạc Việt giữa thời huyên náo của đám đông

11:02, 16/02/2015

Trên sân ga đáp chuyến tàu đi tới bến bờ mang tên danh vọng, hôm nay, người ta có thể bán cho bạn chiếc vé rẻ hơn, ít đòi hỏi và nhiều hứa hẹn hơn, mà thời gian có khi lại ngắn hơn.

Trên sân ga đáp chuyến tàu đi tới bến bờ mang tên danh vọng, hôm nay, người ta có thể bán cho bạn chiếc vé rẻ hơn, ít đòi hỏi và nhiều hứa hẹn hơn, mà thời gian có khi lại ngắn hơn.

Uyên Linh, quán quân được xem là thành công của cuộc thi Thần tượng âm nhạc, đang nỗ lực cho sự nghiệp bằng những sản phẩm âm nhạc riêng. Ảnh: Việt Đức
Uyên Linh, quán quân được xem là thành công của cuộc thi Thần tượng âm nhạc, đang nỗ lực cho sự nghiệp bằng những sản phẩm âm nhạc riêng. Ảnh: Việt Đức

Những “chiếc vé” như vậy đang ngày càng khả dĩ hơn, trong bối cảnh các phương tiện truyền thông mới đã chứng tỏ được sức mạnh của nó trong việc tập hợp được đám đông, “hô phong hoán vũ” gọi lên những cơn bão có tên dư luận.

Hai con đường danh tiếng

Sau một đêm thức dậy, bạn bỗng nhận ra đời sống vừa có thêm một nhân vật mới, xuất hiện trong những câu chuyện râm ran xung quanh bạn hàng ngày, với đủ lời bình phẩm, khen chê hay giễu nhại. Nhân vật ấy có thể là người vừa bước ra từ một cuộc thi truyền hình thực tế nổi tiếng, hay bất ngờ đạt vài triệu lượt nghe/xem màn trình diễn trong một thời gian chóng vánh. Giới nghiên cứu truyền thông ở Mỹ gần đây gọi sự xuất hiện đột ngột của những người “bỗng dưng” nổi tiếng là sự đột nhập thẳng thừng vào nền văn hóa đại chúng. Ai đó từng nói bạn hãy cứ học hỏi, nỗ lực không ngừng cho riêng một sự nghiệp. Danh tiếng, của cải sẽ là những thứ đến sau như món quà đền đáp xứng đáng với những gì mà bạn đã cho đi.

Sơn Tùng M-TP, giọng ca trẻ nổi lên nhờ những bản hit thu hút hàng triệu lượt nghe/xem trên mạng trong năm qua. Ảnh: WePro
Sơn Tùng M-TP, giọng ca trẻ nổi lên nhờ những bản hit thu hút hàng triệu lượt nghe/xem trên mạng trong năm qua. Ảnh: WePro

Sự thật ấy giờ đây dường như đã được viết lại, ít nhất là trong quan điểm của những mái đầu xanh, tài năng có hạn mà tham vọng lại vô biên. Với họ, dòng người xếp hàng mong được có trong tay tấm vé danh vọng - mà các chương trình truyền hình thực tế đang ngày đêm rao bán, hứa hẹn - dù có dài đến mấy, vẫn cứ ngắn và thực tế hơn quãng đường gian khó và mờ mịt của lao động sáng tạo. Tất nhiên, không phải ai cũng đi đến được chặng cuối để đội lên đầu chiếc vương miện quán quân, hô hoán danh hiệu tạo lợi thế cho những cuộc ngã giá mưu sinh đến chóng vánh sau đó. Khi đã mỏi mệt vì mỗi lần xếp hàng là mỗi lần danh vọng lại xa hơn tầm với, người ta có thể tìm thấy con đường khả dĩ thứ hai cho mình.

Rất nhiều bạn trẻ hôm nay trở thành ca sĩ “online” (trên mạng) trước khi bước lên sân khấu thật cho đời biết tên. Họ tự ghi âm những ca khúc gửi lên mạng cho công chúng nghe miễn phí. Người cầu kỳ và nhiều tiền hơn có thể đầu tư làm các MV với hình ảnh lung linh bắt mắt, đi cùng âm nhạc dễ nghe dễ nhớ. Nếu may mắn, những bản thu âm/MV có thể đạt vài triệu lượt nghe, tải về trong vài ngày. Câu chuyện của Mình yêu nhau đi, Bốn chữ lắm, Chắc ai đó sẽ về… là những ví dụ thuyết phục trong năm qua. Chúng dễ dàng lên ngôi trong bối cảnh các bảng xếp hạng, các giải thưởng âm nhạc mới chỉ dừng lại ở việc thu thập, thống kê giá trị được đám đông yêu thích nhất tại thời điểm, thông qua các kênh bình chọn khác nhau.

Đi tìm chân giá trị

Những ngôi sao nổi lên từ truyền hình hoặc internet đến nay vẫn được cho là dễ gây ngộ nhận về giá trị đích thực trong âm nhạc của họ, bởi dù sao đây là những kênh tiếp nhận thiếu chuẩn mực về âm thanh. “Lửa thử vàng” chỉ có thể có trong các buổi hòa nhạc thực sự, theo cung cách của nền công nghiệp ghi âm và biểu diễn chuyên nghiệp. Tài năng của họ cũng là điểm gây tranh cãi khi phần lớn trong số họ thiếu cả nền tảng căn bản, lẫn quãng đường dài phải trả giá cho sự trưởng thành bằng những giọt mồ hôi và nước mắt.

Quang cảnh cuộc thi Thần tượng âm nhạc mùa mới nhất. Ảnh
Quang cảnh cuộc thi Thần tượng âm nhạc mùa mới nhất. Ảnh

Như một phản lực chống lại những giá trị áp đảo có tính thời trang, sân khấu nhạc Việt năm qua xuất hiện nhiều chương trình gọi tên những giá trị đã được định danh và qua thử thách của thời gian. Điển hình như 2 chương trình Sol vàngDấu ấn đều đặn thực hiện mỗi tháng một liveshow, đã bắt đầu từ năm ngoái và sẽ còn kéo dài đến hết 2015. Nếu chương trình đầu gọi tên lớp ca sĩ hải ngoại, như: Lê Uyên, Elvis Phương, Lệ Thu, Ý Lan, Bạch Yến, Anh Khoa… thì chương trình sau vinh danh lớp nghệ sĩ trưởng thành sau năm 1975, như: Bảo Yến, Ngọc Sơn, Lam Trường, Phương Thanh, Hiền Thục… Gắn liền với họ là những ca khúc đã đi vào trí nhớ của nhiều thế hệ người nghe.

Những dòng chảy tạo nên sự đa sắc cho diện mạo sân khấu âm nhạc hôm nay, dù thỉnh thoảng có vài va chạm dẫn đến các vụ ồn ào, cái mới phán xét cái cũ là ôm khư khư lấy hào quang quá khứ, trong khi cái cũ chỉ nhìn thấy ở cái mới những phù phiếm, ngây ngô và sáo rỗng. Nhưng nói cho cùng thì mọi phán xét chỉ có thể công bằng cho các phía khi xét tới hậu cảnh của văn hóa nghe nhìn đằng sau những trào lưu, xu hướng. Một nhạc sĩ trẻ tâm sự với người viết về những điều anh nghiệm ra sau quãng đường dài đi tìm và viết những gì công chúng hôm nay yêu thích. “Nhiều nghệ sĩ trẻ tưởng mình đã chinh phục được đám đông nhưng tôi cho rằng đám đông, trong một tình cờ khó lý giải, đã chọn họ và một vài sản phẩm của họ để giải trí tại thời điểm. Việc đám đông chọn ai hay cái gì để giải trí khó nắm bắt vô cùng, những tung hô không khác gì đợt sóng triều ào ạt đến rồi rút đi rất nhanh, để lại con người hoang mang với danh tiếng đã từng có”. Theo anh, điều mà sân khấu nhạc Việt hôm nay đang rất cần là một lớp nghệ sĩ sáng tạo đủ tài năng để tạo ra xu hướng, trào lưu, chứ không thể chỉ có những nghệ sĩ giỏi nắm bắt và chiều theo thị hiếu nhất thời của công chúng.

Nam Vũ

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều