Báo Đồng Nai điện tử
En

Người gieo mầm Xuân

02:01, 26/01/2014

Chưa học qua lớp cơ khí nào, nhưng ông Lê Công Thành ở ấp Thanh Thọ 3, xã Phú Lâm (huyện Tân Phú) lại sáng chế ra máy gieo hạt rau,  giúp nông dân giảm được nhiều chi phí đầu vào và không còn lo thiếu công thợ vào mùa vụ.

Chưa học qua lớp cơ khí nào, nhưng ông Lê Công Thành ở ấp Thanh Thọ 3, xã Phú Lâm (huyện Tân Phú) lại sáng chế ra máy gieo hạt rau,  giúp nông dân giảm được nhiều chi phí đầu vào và không còn lo thiếu công thợ vào mùa vụ.

Ông Lê Công Thành, xã Phú Lâm (huyện Tân Phú) bên chiếc máy gieo hạt.
Ông Lê Công Thành, xã Phú Lâm (huyện Tân Phú) bên chiếc máy gieo hạt.

Là một nông dân trồng rau nên ông Thành rất thấu hiểu khâu gieo hạt tốn quá nhiều công. Và chính khâu này quyết định lớn đến năng suất và mùa vụ của cây rau. Với cây rau, chỉ cần nhanh hơn vài ngày trúng đợt rau hút hàng, nông dân có thể lời thêm 2-3 triệu đồng/sào. Điều đó thúc đẩy ông ngày đêm ngẫm nghĩ, nghiên cứu quyết cho ra đời 1 loại máy gieo hạt rau đa năng để giúp mình và nhiều nông dân trồng rau khác.

“Bỗng dưng” thành nhà… sáng chế

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi rời quân ngũ, ông đã từ giã vùng đất Thanh Hóa, nơi chôn nhau cắt rốn để vào Đồng Nai lập nghiệp. Vốn có sẵn chuyên môn học được trong quân đội, ông được huyện Tân Phú tín nhiệm mời ra làm kế toán vật liệu của huyện. Song thời bao cấp, lương ba cọc, ba đồng không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, ông đành xin nghỉ về nhà làm nông dân. Theo lời ông Thành thì nghề đầu tiên ông chọn để vực dậy kinh tế gia đình là chăn nuôi gà công nghiệp. Vừa tích lũy được khoản vốn kha khá để mở trang trại sản xuất gà giống thì gặp đợt cúm gia cầm năm 2005 khiến ông trắng tay. Hết vốn lại thấy nghề chăn nuôi quá nhiều rủi ro, ông Thành chuyển sang trồng rau ăn lá.

Hàng ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ông Thành nhận ra một điều là trồng rau tuy cho thu nhập cao hơn các cây trồng khác, nhưng công sức bỏ ra rất nhiều, vì đa số các công đoạn làm thủ công nên suốt ngày phải quần quật ngoài ruộng. Mỗi lao động chăm chỉ nhất cũng chỉ làm được khoảng 1 sào rau ăn lá (1.000m2). Điều này thúc đẩy ông tìm tòi, nghiên cứu ra chiếc máy tự gieo hạt để giảm công lao động, tăng diện tích sản xuất. Năm 2006, ông Thành cho ra đời chiếc máy gieo hạt đầu tiên, song còn thô sơ chưa đáp ứng được các yêu cầu trong sản xuất. Những ngày sau đó, ông vừa làm vừa nghiên cứu và cải tiến máy gieo hạt rau cho phù hợp. Đến đầu năm 2011, chiếc máy gieo hạt đã được hoàn thiện như mong muốn của ông Thành.

Với chiếc máy mới này, vợ chồng ông có thể làm được 4 sào rau ăn lá mà không vất vả như trước đây khi làm có 2 sào. Chiếc máy đã hoàn thiện, ông bắt đầu nghiên cứu, tìm các thiết bị thay thế sao cho rẻ tiền lại bền để có nhiều bà con trồng rau trong và ngoài tỉnh có thể mua, sử dụng vào trong sản xuất. Cuối năm 2011, ông Thành đã cho xuất xưởng hàng loạt máy gieo hạt với giá chỉ 3,5 triệu đồng/cái. Ông Thành chia sẻ: “Trước đây, muốn gieo hạt cho 1 sào rau ăn lá mất đến 25 công, nhưng giờ dùng máy gieo hạt do tôi sáng chế chỉ cần một công làm việc trong 3 giờ. Như vậy, tiền công tiết kiệm từ 1 sào rau/lứa là đủ mua máy gieo hạt”.

Với sáng chế này, năm 2011 ông Thành đã được tỉnh trao giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2011. Và đầu năm 2013, ông Thành được trao giải nhất chương trình Nhà sáng chế do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Đến nay, ông Thành đã cho xuất xưởng hàng trăm máy gieo hạt rau cho nông dân trong cả nước. Chỉ với chiếc máy nhỏ gọn, nông dân có thể gieo được các loại hạt rau từ nhỏ nhất như hạt rau dền đến hạt to nhất là rau muống, mồng tơi một cách khá đơn giản. Người mua máy chỉ cần ông hướng dẫn qua 1 lần là có thể sử dụng thành thạo.

Không ngừng tìm tòi mới

Là nông dân không được học qua trường lớp nào mà tự sáng chế được chiếc máy gieo hạt để đời như vậy quả là vinh dự lớn. Thế nhưng, ông Thành không chịu bằng lòng ở đó, ông vẫn tiếp tục ấp ủ làm tiếp phần việc của một nhà khoa học, nghiên cứu ra một loại máy mới đa năng hơn có thể làm đất, lên luống và gieo hạt ở cả vùng đất rẫy lẫn đất ruộng để giúp nhiều nông dân khác bớt nhọc nhằn trong nghề trồng rau.

Ông Thành hào hứng kể: “Đầu năm 2014, tôi sẽ cho ra đời chiếc máy làm rau đa năng toàn phần có thể cuốc đất, xới đất, làm nhỏ đất và gieo hạt. Hiện chiếc máy đã hoàn thiện và tôi đang làm thí điểm trên ruộng rau của mình, lượng công giảm được hơn 2/3 so với trước đây”. Ông Thành cũng cho biết thêm, ông chưa cho trình làng chiếc máy đa năng này là do giá thành của chiếc máy hiện vẫn còn khá cao, khoảng 20 triệu đồng/cái. Ông đang tiếp tục nghiên cứu tìm những vật tư thay thế rẻ tiền hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để nhiều nông dân trồng rau có thể mua được. Mục tiêu của ông Thành là sẽ giảm giá chiếc máy đa năng toàn phần xuống còn khoảng 15 triệu đồng/cái.

Chia tay ông vào ngày cuối năm trong tiết trời se lạnh, nhìn dáng khắc khổ của ông ít ai ngờ trong con người giản dị, chân chất ấy lại ẩn chứa tư duy sáng tạo lớn mà ngay cả những kỹ sư, thạc sĩ nông nghiệp cũng nể trọng. Nhưng có lẽ cái đáng quý hơn ở ông là tấm lòng, vì sau khi nghiên cứu thành công chiếc máy gieo hạt và chiếc máy đa năng toàn phần, ông không vội vã quảng cáo để bán ra thị trường. Điều ông nghĩ ngay sau khi thành công là hạ giá thành để nhiều nông dân đều có thể sử dụng. Và ông tiếp tục bỏ ra hàng năm trời nữa để tìm cách giảm giá thành chiếc máy xuống mức tối đa.

HƯƠNG GIANG

 

 

 

Tin xem nhiều