Báo Đồng Nai điện tử
En

Đặc sản xứ Đồng Nai

02:01, 26/01/2014

Đất Đồng Nai nhiều sông, suối, rất dồi dào nguồn thủy sản tự nhiên. Vùng đất năng động, trẻ trung này cũng không thiếu các loại đặc sản do bàn tay con người làm ra. Có thể ghé Biên Hòa thưởng thức tôm sông, rượu bưởi; qua Nhơn Trạch ăn cá nước lợ; xuống Trảng Bom, Long Thành xem gà "tiến vua", uống rượu thanh long… những món "độc" chỉ những địa phương trên mới có.

Đất Đồng Nai nhiều sông, suối, rất dồi dào nguồn thủy sản tự nhiên. Vùng đất năng động, trẻ trung này cũng không thiếu các loại đặc sản do bàn tay con người làm ra. Có thể ghé Biên Hòa thưởng thức tôm sông, rượu bưởi; qua Nhơn Trạch ăn cá nước lợ; xuống Trảng Bom, Long Thành xem gà “tiến vua”, uống rượu thanh long… những món “độc” chỉ những địa phương trên mới có.

Món ngon vùng sông nước

Nói đến sông Đồng Nai, người ta thườnng nghĩ ngay đến món tôm càng xanh. Loại tôm nhất có trọng lượng khoảng 3 lạng/con, thịt tôm chắc và rất ngọt nên cách chế biến không cần cầu kỳ, thường là hấp, nướng hoặc rang muối đều ăn không biết chán. Để bắt được loại tôm này cũng mất lắm công phu, những người thợ lặn phải ngụp sâu dưới hàng chục mét nước ở tận đáy sông để chỉa (đâm) từng con tôm một. Chính vì vậy, dù thực khách sẵn sàng trả giá cao nhưng không phải lúc nào cũng thưởng thức được món ngon vùng sông nước này. Từ tháng 10 đến hết tháng Giêng hàng năm là mùa tôm trưởng thành. Ngư dân có cơ hội kiếm thêm thu nhập, còn thực khách được thỏa lòng thưởng thức món ngon.

Tôm càng xanh sông Đồng Nai.
Tôm càng xanh sông Đồng Nai.

Vùng đất Nhơn Trạch lại giàu về nguồn cá nước lợ từ các sông lớn, như: Thị Vải, Lòng Tàu và Đồng Tranh. Mỗi loại cá bớp, cá ngát, cá nâu, cá dứa... đều là món ngon, thưởng thức một lần sẽ khó quên. Cá khoai tươi thường được nấu canh với cần nước hoặc cà chua. Cá mao ếch trông xấu xí nhưng hương vị lại tuyệt vời. Người dân Nhơn Trạch sành ăn thường nấu lẩu cá mao ếch với trái bần (đây cũng là loại trái đặc trưng của vùng nước lợ), món khoái khẩu của dân nhậu là nướng muối ớt. Riêng cá đối phải được nướng bằng than thì mới thưởng thức được hết độ ngon của nó, vì khi nướng cá tiết ra mỡ dậy mùi rất thơm. Khô cá dứa cũng là một đặc sản bởi vì cá này ngọt mà không tanh. Cũng là tôm, nhưng tôm sú thiên nhiên vùng này thịt chắc, rất dai; con tôm sắt thì có lớp vỏ cứng như tên gọi của nó, thịt ngọt; còn tôm đất vỏ lại mềm, trong, thịt dẻo và ngọt. Đặc biệt là tôm gạch son, loại tôm này khá ít và chỉ có vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 4 hàng năm. Dòng họ nhà cua thì có con cúm đen (như con cua đồng, lúc nào cũng cúm núm, khi đụng vào thì thu mình lại tạo thành một khối), trông xù xì nhưng thịt chắc và ăn rất ngọt. Vào tháng 4, tháng 5 về vùng Long Thọ, Phước An, bạn không nên bỏ lỡ món chem chép. Vì cuối mùa khô, chem chép mập tròn và rất ngọt do có nguồn thức ăn là trái điều chín mà người dân vùng thượng lưu sông đổ bỏ khi rộ mùa thu hoạch.

Gà “tiến vua”

 Gà Đông Tảo (còn gọi là Đông Cảo) nằm trong danh sách giống gia cầm quý của Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ngày xưa đây là loài vật dùng để “tiến vua”. Nguồn gốc của giống gà này vốn ở xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), nhưng Trảng Bom lại là nơi có trại gà giống Đông Tảo thuần chủng lớn nhất nước hiện nay. Theo anh Vũ Ngọc Tuấn - chủ trại gà Đông Tảo, hiện gà giống được bán từ 250 - 300 ngàn đồng/con gà 1 tháng tuổi và 500 - 600 ngàn đồng/con nửa ký. Thường chỉ nuôi một năm là có thể xuất bán, nhưng chỉ loại gà mái đẻ mấy lứa hoặc gà trống nuôi từ một năm trở lên mới cho loại thịt ngon nhất. Đặc điểm nổi bật của gà Đông Tảo là cặp chân to, thô và xù xì, có vảy mọc không theo hàng. Gà trống lúc trưởng thành đạt trọng lượng từ 4 - 5 kg/con, gà mái 3 - 4 kg/con.

Sông Đồng Nai cho nhiều loại cá ngon nổi tiếng như: cá lăng, cá chép, cá duồng, cá chình...

Độc đáo nhất là món ngon từ cặp chân “voi” mà người sành ăn ví von là món “vảy rồng hầm thuốc bắc”: lớp vảy dày khi hầm vẫn giữ được độ sần sật, không bị mềm nhũn. Da gà Đông Tảo màu đỏ, khi luộc lại chuyển sang màu vàng, ngọt đậm đà, thịt giòn chứ không dai. Gà xào lăn, hầm thuốc bắc, ăn lẩu đều rất ngon. Gà này được thị trường rất chuộng dù có khi một cặp gà trống làm quà biếu tết trị giá cả chục triệu đồng.

“Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” là những loài vật độc đáo, tưởng chỉ có trong lời thách cưới của vua Hùng thì nay gà chín cựa đang được nuôi tại một trang trại ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành. Người nhân giống thành công và mở hẳn một trang trại nuôi gà chín cựa là chàng thanh niên trẻ Nghiêm Gia Dũng (30 tuổi). Trong cùng một lứa gà, không phải lúc nào cũng có thể nhân được giống gà chín cựa, có con chỉ có bảy hoặc tám cựa, có con không có cựa nào, trong đó giống gà chín cựa lông màu trắng là quý hiếm nhất. Gà có trọng lượng khoảng 1,5kg, nuôi lâu có thể đạt 3 kg/con. Thịt gà chín cựa ngọt đậm đà với vị thơm rất đặc trưng. Người ta còn cho rằng, giống gà này rất tinh khôn, có thể nuôi để trông nhà thay chó.

“Mỹ tửu” trái cây

Đồng Nai còn nổi tiếng về các loại “mỹ tửu” làm từ trái cây. Có thể nói, rượu bưởi là thức uống độc đáo đã mang lại tiếng thơm cho vùng đất này. Không chỉ đắt hàng tại nội địa, mà nhiều năm qua rượu bưởi được xuất khẩu đi Singapore, mở ra cơ hội đưa loại đặc sản quê bước ra thị trường thế giới. Tỉnh còn có những loại rượu “lạ” từ trái ca cao và thanh long ruột đỏ.

Con cá chép sông nặng gần 9kg được ngư dân bắt từ sông Đồng Nai.
Con cá chép sông nặng gần 9kg được ngư dân bắt từ sông Đồng Nai.

Nhắc đến cây ca cao, đa số mọi người đều nghĩ đến những thanh socola ngọt ngào. Ít ai biết trái và hạt ca cao được ủ rồi chưng cất sẽ tạo được loại rượu hương vị socola, uống vào có thể làm say lòng người. Hiện nay, rượu ca cao đang được Công ty TNHH Trọng Đức (huyện Định Quán) sản xuất. Trung bình mỗi tháng, công ty xuất xưởng khoảng 10 ngàn chai rượu mạnh và rượu vang ca cao; hiện đang được tiêu thụ tốt tại các thành phố du lịch, như: Đà Lạt, Nha Trang và Phan Thiết.

Ông Hồ Sáu ở xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom), một trong những hộ nông dân làm được rượu thanh long ruột đỏ - loại rượu chưa ai từng làm, cho hay: “Ưu điểm của rượu này là có màu hồng đậm đẹp mắt. Rót ra ly thủy tinh trong suốt thì người không thích rượu cũng muốn thử một chút cho biết mùi vị”. Một số hộ nông dân trồng thanh long ruột đỏ đã tận dụng những trái thanh long xấu, bị thương lái loại bỏ để làm ra thức uống hấp dẫn này. Rượu được làm bằng cách ủ phần ruột trái cho lên men tự nhiên rồi chắt lọc lấy nước làm rượu. Do số lượng ít nên loại rượu này thường chỉ để dùng trong gia đình hoặc làm quà biếu chứ chưa bán ra thị trường. Hiện thanh long ruột đỏ trên địa bàn Đồng Nai phát triển khá nhanh, vì thế phát triển và mở rộng quy trình ủ rượu thanh long sẽ giúp các nhà vườn tăng giá trị của loại trái cây này.

BÌNH NGUYÊN - HƯƠNG GIANG - KHẮC GIỚi

 

Tin xem nhiều