Loạt Megastory Đầu tàu kinh tế trong cuộc đua đến Net Zero:
Kỳ 2: Con đường ngắn nhất đến Net Zero
.

Loạt Megastory Đầu tàu kinh tế trong cuộc đua đến Net Zero:
Kỳ 2: Con đường ngắn nhất đến Net Zero

Hương Giang - Hoàng Lộc
13:52, 28/03/2024
 
 

Con đường ngắn nhất để Đông Nam Bộ (ĐNB) cũng như Việt Nam tiến đến Net Zero là phải chung tay cùng thực hiện các giải pháp trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo hướng bền vững. Hiện thị trường toàn cầu đã hình thành “luật chơi” mới đòi hỏi các quốc gia phải có lộ trình giảm phát thải về 0. Trong cuộc chơi này, quốc gia nào đi sớm, về trước sẽ tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư, xuất khẩu.

Hiện nay, trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất tuần hoàn và giảm phát thải là điều kiện để giữ thị phần, mở ra cơ hội thâm nhập các thị trường mới.

 

Là trung tâm kinh tế lớn và năng động nhất cả nước nên vùng ĐNB đi đầu trong sản xuất tuần hoàn trong công nghiệp, nông nghiệp để giảm phát thải, đạt tiêu chí xanh đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tác nước ngoài.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, ĐNB là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam. Các doanh nghiệp dệt may trong vùng đang chạy đua và đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất để sử dụng nguyên liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải theo mô hình tuần hoàn. Ngành dệt may Việt Nam xếp thứ 3 thế giới với kim ngạch xuất khẩu hơn 40 tỷ USD/năm có sự đóng góp rất lớn của doanh nghiệp vùng ĐNB.

Tại Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đi đầu trong sản xuất xanh, tuần hoàn như: Bosch, Schaeffler, Fleming, UPM, Nok, Ajinomoto, C.P, SMC, Bitis, Lixil Hyosung,… Ở 5 tỉnh, thành khác trong vùng ĐNB cũng có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang từng bước chuyển đổi thành nhà máy không phát thải.

ThS Nguyễn Ngọc Kim Oanh, Trưởng phòng Vệ sinh an toàn lao động bền vững Công ty TNHH Saitex International (thành phố Biên Hòa) kể về tiến trình sản xuất tuần hoàn, công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy đạt chứng nhận quốc tế Bluesign - chứng nhận nhà máy xanh. Trong đó, nhiều khâu được tự động hóa, nước thải được tái sử dụng đến 98%. Vải vụn được phục chế thành sản phẩm mới là quần, túi, thảm… Công ty sử dụng điện mặt trời, đèn led để tiết kiệm và sử dụng năng lượng tái tạo.

 

Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho biết, nhiều năm liền Nestlé Việt Nam dẫn đầu trong top 100 doanh nghiệp bền vững trong lĩnh vực sản xuất do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam bình chọn. Bên cạnh đó, công ty cũng nằm trong top 5 doanh nghiệp tiên phong thực hiện kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải carbon. “Với tầm nhìn trở thành công ty toàn cầu gắn kết địa phương, tiên phong trong phát triển bền vững, Nestlé Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng thực hiện các giải pháp và sáng kiến trên tất cả các phương diện gồm môi trường, xã hội, và quản trị, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước. Thông qua sư hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại Việt Nam, chúng tôi đã tạo ra các tác động tích cực với cộng đồng, môi trường và hành tinh”- Ông Binu Jacob nói.

Nestlé Việt Nam hiện có 4 nhà máy và 2 trung tâm phân phối ở Việt Nam. Riêng tại Đồng Nai có 3 nhà máy và đều được sản xuất theo quy trình tuần hoàn, giảm  1,2 ngàn tấn CO2/năm. Đồng thời, Nestlé Việt Nam còn liên kết với nhiều nông dân trồng cà phê trong vùng ĐNB, Tây Nguyên tạo chuỗi khép kín đảm bảo từ khâu chọn giống cà phê đưa vào trồng, chăm sóc đến chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường. Chuỗi sản xuất trên luôn đảm bảo tiêu chí xanh, bền vững.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, mô hình sản xuất tuần hoàn của Nestlé Việt Nam có thể chia sẻ và nhân rộng ra nhiều doanh nghiệp khác trong tỉnh và vùng ĐNB.

 

Tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn là giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu với BĐKH, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Đây cũng là yêu cầu mới của các nhãn hàng, thị trường lớn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với Công ty TNHH Đầu tư Long Đức về chủ trương về dự án xây
dựng khu công nghiệp xanh, thông minh tại Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành). Ảnh: Ban Mai
Phó chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với Công ty TNHH Đầu tư Long Đức về chủ trương về dự án xây dựng khu công nghiệp xanh, thông minh tại Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành). Ảnh: Ban Mai

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện Công nghiệp môi trường (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, các nhãn hàng, thị trường lớn đang có xu hướng hợp tác, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Do đó, việc loại bỏ dần các yếu tố gây hại cho con người và môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, phát triển vật liệu sản xuất mới, chuyển đổi sang quy trình sản xuất ít phát thải hơn là “chìa khóa” để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, ổn định đơn hàng, từ đó gia tăng lợi nhuận.

Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kinh tế xanh là con đường phát triển tất yếu để không bị loại khỏi sân chơi chung toàn cầu. Chính phủ đã có những cam kết, kế hoạch, chương trình hành động nhằm đi đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Vì thế, các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành đề án, khung chiến lược và hoàn thiện các thể chế liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phục hồi rừng tự nhiên và hệ sinh thái, phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành) với mục tiêu trở thành công nghiệp xanh, thông
minh. Ảnh Công ty TNHH Đầu tư Long Đức.
Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành) với mục tiêu trở thành công nghiệp xanh, thông minh. Ảnh Công ty TNHH Đầu tư Long Đức

Hiện nay, các nước phát triển ngày càng có yêu cầu khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, các nhãn hàng quốc tế đưa ra yêu cầu với các nhà máy sản xuất là phải giảm phát thải, chuyển dần qua sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất, sử dụng nguyên liệu tái chế, nguyên liệu có chứng chỉ xanh... Để giữ được thị phần ngay sân nhà và xuất khẩu các doanh nghiệp không thể chậm chân trong chuyển đổi mô hình sản xuất sang sản xuất xanh, tuần hoàn.

Thạc sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng phòng Quản lý Tài nguyên và môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho rằng, tỉnh đang đẩy mạnh mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, xây dựng, vận hành sản xuất và thương mại - dịch vụ đều đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là mô hình phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, hướng đến chuỗi giá trị mới là xanh hóa sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

 

                    

Từ khóa:

Net Zero

Xem thêm bình luận