Báo Đồng Nai điện tử
En

Đường xuống cấp gây mất an toàn giao thông

11:12, 02/12/2019

Hiện nay, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn Đồng Nai đang xuống cấp, không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân mà còn gây mất an toàn giao thông.

Hiện nay, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn Đồng Nai đang xuống cấp, không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân mà còn gây mất an toàn giao thông.

Đường Nguyễn Thái Học đoạn qua KP.4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường chi chít “ổ voi”, “ổ gà”
Đường Nguyễn Thái Học đoạn qua KP.4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường chi chít “ổ voi”, “ổ gà” . Ảnh: T. Hải

Thời điểm cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, do đó việc tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng, khắc phục những vị trí hư hỏng trên mặt đường có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

* Đường xuống cấp, đi lại khó khăn

Đường tỉnh 779 đi qua 2 xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) và Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) có chiều dài hơn 11km. Hiện tuyến đường này có 12 vị trí với tổng chiều dài gần 2km mặt đường đã xuống cấp, hư hỏng. Thời gian qua, giao thông tại đây gặp nhiều khó khăn, người dân đi lại rất vất vả, nhất là thời điểm ban đêm.

Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải) cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 58 trường hợp các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, gây hư hỏng đường sá làm mất an toàn giao thông.

Ông Nguyễn Văn Duy (ngụ xã Xuân Đông) cho hay, đường tỉnh 779 là tuyến đường chính từ huyện Cẩm Mỹ đi huyện Xuân Lộc ra quốc lộ 1 nên lượng xe lưu thông ngày càng nhiều. Theo thiết kế, đây chỉ là đường cấp 6 nông thôn miền núi chỉ cho phép xe tải trọng đến 5 tấn lưu thông, nhưng hằng ngày xe tải trọng lớn vẫn đi lại thường xuyên.

“Mặt đường chỉ rộng 3,5m, chịu tải kém nên cơ quan chức năng đã đặt biển cấm xe trọng tải trên 10 tấn. Tuy nhiên, xe tải hạng nặng vẫn cố tình chạy thường xuyên khiến mặt đường bị hư hỏng xuất hiện nhiều “ổ voi”, “ổ gà” khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn” - ông Duy bộc bạch.

Tương tự, tuyến đường tỉnh 768 (huyện Vĩnh Cửu) vốn có mật độ xe tải ben chở vật liệu xây dựng từ các mỏ đá lưu thông dày đặc bất kể ngày đêm. Xe chạy nhiều không chỉ làm mặt đường nhanh xuống cấp mà còn tỏa ra khói bụi gây ô nhiễm môi trường khiến cuộc sống của người dân hai bên đường bị ảnh hưởng nặng nề.

Điều đáng nói, các loại đất, cát và đá nhỏ từ các xe tải rơi xuống chỉ một thời gian ngắn đã tạo thành “thảm” trên mặt đường. Nếu các phương tiện xe máy, xe đạp di chuyển qua không kịp tránh dễ bị té ngã ra đường, rất nguy hiểm.

Một trong những tuyến đường thường xuyên xuống cấp ở huyện Trảng Bom là tuyến đường Trảng Bom - Cây Gáo có chiều dài 18km. Dù đã nhiều lần được nâng cấp, nhưng thời gian qua do lượng xe lưu thông lớn, hệ thống thoát nước hai bên đường chưa được đầu tư nên mặt đường rất xấu. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên tuyến đường này do người điều khiển xe máy bị té ngã, va chạm với xe tải ben.

Trưa 23-5, trên đường Trảng Bom - Cây Gáo đã xảy ra vụ va chạm giữa xe tải ben biển số 60C-154.98 do Nguyễn Phúc Hoàng Nhi (ngụ thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) điều khiển với xe máy biển số 60B6-584.07 chạy hướng ngược lại. Vụ va chạm khiến 2 người đi trên xe máy tử vong tại chỗ. Trước đó, vào ngày 8-12-2018, trên đường Trảng Bom - Cây Gáo, đoạn qua khu vực ấp 3, xã Sông Trầu xảy ra một vụ tai nạn giữa xe tải với xe máy khiến 2 người đi trên xe máy tử vong.

Không chỉ trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ mà nhiều con đường trong các khu dân cư ở TP.Biên Hòa tình trạng xuống cấp đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại hằng ngày của người dân. Trong đó, phải kể đến đoạn đường dẫn vào Khu dân cư Tân Thuận (phường Tân Hiệp), đường Yết Kiêu (thuộc KP.1, phường Long Bình), đường Nguyễn Thái Học (đoạn qua KP.4, phường Trảng Dài)…

* Đảm bảo cho người dân đi lại an toàn

Theo Sở Giao thông - vận tải, các tuyến đường ở địa bàn nào thì việc quản lý, duy tu, sửa chữa thuộc trách nhiệm địa phương đó. Riêng các tuyến đường tỉnh do Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai (trực thuộc Sở Giao thông - vận tải) giám sát, kiểm tra và có kế hoạch sửa chữa thường xuyên. Hằng năm, Sở đều đôn đốc các địa phương lập phương án duy tu, sửa chữa những tuyến đường xuống cấp để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.

Tuyến đường tỉnh 779 (từ huyện Cẩm Mỹ đi huyện Xuân Lộc) đoạn qua xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc đang được nâng cấp, sửa chữa
Tuyến đường tỉnh 779 (từ huyện Cẩm Mỹ đi huyện Xuân Lộc) đoạn qua xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc đang được nâng cấp, sửa chữa

Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai Du Quang Lâm cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã tiến hành bảo dưỡng thường xuyên trên 23 tuyến đường do đơn vị quản lý. Qua đó đã xử lý được hơn 50 ngàn m2 mặt đường hư hỏng bị lún, “ổ gà” bằng bê tông nhựa trên 16 tuyến tỉnh lộ và hương lộ. Hiện vẫn còn một số tuyến đường tỉnh kết cấu đường hiện đã xuống cấp, chưa được trùng tu, đại tu. Trong khi mật độ lưu thông của các phương tiện ngày càng tăng dẫn đến quá tải, nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Tuy nhiên, đơn vị này đang gặp khó khăn về bố trí nguồn vốn và thời điểm giải ngân nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sửa chữa, nâng cấp mặt đường. Vì vậy, từ đây đến hết tháng 12-2019, Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai sẽ tăng tốc lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công 20 dự án trên các tuyến đường tỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.

Ngoài ra, đơn vị này còn thực hiện xong việc lắp đặt mới hệ thống biển báo giao thông theo đúng quy chuẩn 41/2016 Bộ Giao thông - vận tải quy định. Tại những tuyến đường có cây cối che khuất tầm nhìn, hệ thống thoát nước không đảm bảo, vạch sơn đường bị mờ… đã được đơn vị quản lý tuyến xử lý nhằm đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi.

Thanh Hải

Tin xem nhiều