Báo Đồng Nai điện tử
En

Sau sự cố sập cầu Ghềnh, tăng áp lực giao thông

09:03, 28/03/2016

Một tuần sau khi cầu Ghềnh bị xà lan đâm sập, đến nay giao thông trên tuyến đường thủy, đường sắt qua Đồng Nai vẫn gặp khó khăn. Nhiều phương tiện ghe, tàu, xà lan chở vật liệu xây dựng gặp hạn chế mỗi khi lưu thông qua đây.

Một tuần sau khi cầu Ghềnh bị xà lan đâm sập, đến nay giao thông trên tuyến đường thủy, đường sắt qua Đồng Nai vẫn gặp khó khăn. Nhiều phương tiện ghe, tàu, xà lan chở vật liệu xây dựng gặp hạn chế mỗi khi lưu thông qua đây. Các phương tiện vận tải hàng hóa từ các ga ở Đồng Nai đi TP.Hồ Chí Minh (và ngược lại) tăng lên cũng kéo theo áp lực giao thông trên tuyến đường bộ.

Xe tải xếp hàng dài, các phương tiện di chuyển lộn xộn trên đường Điểu Xiển, đoạn qua phường Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.HẢI
Xe tải xếp hàng dài, các phương tiện di chuyển lộn xộn trên đường Điểu Xiển, đoạn qua phường Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.HẢI

Để giải tỏa bớt áp lực giao thông trên tuyến đường sông sau sự cố sập cầu Ghềnh, vào ngày
23-3, Chi cục đường thủy phía Nam (thuộc Cục đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông - vận tải) đã ra thông báo cho phép các phương tiện thủy có trọng tải dưới 400 tấn được lưu thông qua khoang thông thuyền phụ (khoang số 4) của cầu Ghềnh, nằm phía phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa).

* Giao thông đường thủy vẫn chưa thông

Theo đó, phương tiện có trọng tải đến 300 tấn lưu thông từng chiếc, một chiều qua khoang thông thuyền. Đối với phương tiện đoàn lai dắt có 2 chiếc với trọng tải đến 400 tấn lưu thông từng chiếc, một chiều trong điều kiện hành trình ngược nước. Thời gian lưu thông từ 6-18 giờ hàng ngày.

Ngay sau khi Chi cục đường thủy phía Nam phát lệnh lưu thông, hàng loạt tàu thuyền đã bắt đầu di chuyển, giao thông đường thủy ở 2 đầu cầu Ghềnh đã bớt “ùn tắc” sau những ngày “án binh bất động”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt xà lan, ghe tải lớn vẫn không thể di chuyển được. Nhiều phương tiện buộc phải neo đậu lại dọc 2 bên bờ sông, bị “cầm chân” do tải trọng không đảm bảo.

“Chúng tôi chờ đến nay đã gần một tuần, cứ tưởng sẽ được cho đi như một số tàu lớn khác, nhưng cuối cùng không được, vì xà lan chở đá của tôi lên đến trên 1 ngàn tấn. Một số chủ ghe do “nóng ruột” vì lượng hàng ứ đọng nhiều ngày đã buộc phải sang tải, vận chuyển bằng đường bộ…” - chủ một xà lan chở vật liệu xây dựng hiện đang neo đậu tại khu vực sông Đồng Nai, đoạn thuộc xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa), chia sẻ.

Ngày 26-3, công tác trục vớt các dầm cầu Ghềnh đã được tiến hành. Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy cũng như không làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra, khắc phục hậu quả sự cố sập cầu, các cơ quan chức năng sẽ tạm thời cấm các phương tiện di chuyển qua đây.

Theo đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3 (đơn vị quản lý luồng đường thủy nội địa trên đoạn sông Đồng Nai, Bộ Giao thông - vận tải), các phương tiện phải chờ sau khi cơ quan chức năng tiến hành xong việc trục vớt phần trụ và 2 nhịp cầu bị rơi xuống sông mới được phép lưu thông. Như vậy, trước mắt giao thông đường thủy chưa thể thông tuyến hoàn toàn, các phương tiện phải chờ các ngành chức năng khơi thông lòng sông, sau đó mới có thể thông tuyến trở lại.

* Nguy cơ mất an toàn

Trên tuyến đường bộ, khu vực vào các ga: Hố Nai, Trảng Bom những ngày gần đây xe cộ qua lại đông đúc hơn, trong đó chủ yếu là xe tải vào ga làm nhiệm vụ trung chuyển hàng hóa. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, dọc 2 bên đường Điều Xiển, đoạn qua phường Tân Biên và KP.8, phường Long Bình, hàng chục xe tải phải xếp hàng rồng rắn để vào Ga Hố Nai chở hàng. Hết chiếc này chạy đi, chiếc khác lại chạy tới, trong đó có không ít xe tải chở hàng và xe container.

Từ khi Ga Hố Nai thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa đường sắt với đường bộ, đường Điều Xiển trở nên quá tải nặng nề. Mỗi ngày có hàng trăm phương tiện lưu thông qua đây, con đường vốn đã xuống cấp nay thêm hư hỏng vì phải “gánh” một lượng lớn xe từ khắp nơi đổ về. Xe chạy liên tục không chỉ cuốn theo đất cát, bụi bặm mà nguy cơ mất an toàn giao thông luôn hiện hữu. Cuộc sống của người dân ở khu vực xung quanh Ga Hố Nai vì thế mà đảo lộn hoàn toàn. Việc đi lại của người dân khu vực này hết sức khó khăn khi phải “chia sẻ” bớt phần đường cho các phương tiện trung chuyển hàng.
Theo phản ánh của các hộ dân nơi đây, hiện tại mặt đường nhiều chỗ không còn đủ cho xe 2 bánh lưu thông, người đi xe máy luồn lách đủ kiểu mới có thể thoát ra được vòng vây xe tải. Nhiều người thậm chí phải chạy len lỏi giữa các đoàn xe tải, xe container nên tai nạn luôn rình rập.

Đại tá Dương Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, cho biết: “Việc bốc xếp hàng hóa ở ga lên xe cũng như di chuyển không được gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông. Trong trường hợp các phương tiện xảy ra vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ nhắc nhở chứ không xử phạt. Tại các địa điểm có thể xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông, chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng để kịp thời phân luồng và điều tiết”.

“Mỗi ngày tôi phải mất trên dưới chục lần tưới nước hạn chế bụi bặm mà xe cứ chạy vù vù tranh giành phần đường, không cẩn thận gì hết. Nếu cho xe chở hàng chạy qua đây thì cần phải có cảnh sát giao thông điều phối và phân luồng, nhưng từ ngày 23-3 đến nay không thấy bóng dáng lực lượng chức năng nào cả” - ông Đặng Văn Tân, sống gần Ga Hố Nai, bức xúc nói.

Ngoài ra, xe cộ lưu thông vào khu vực này dày đặc đã khiến nút giao thông đoạn cầu Sập (giao giữa quốc lộ 1 với đường Điều Xiển) trở nên quá tải. Vào buổi sáng hay chiều tối, chỉ cần một chiếc xe container hàng từ Ga Hố Nai chạy ra quốc lộ 1, hướng về TP.Hồ Chí Minh là khu vực này xảy ra kẹt xe, ùn tắc ngay; các phương tiện hầu như không thể di chuyển từ tất cả các hướng.

Tương tự, đường từ quốc lộ 1 rẽ vào Ga Trảng Bom (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) trở nên quá tải khi tiếp nhận hàng chục xe tải chở hàng mỗi ngày. Thực tế, đây chỉ là con đường ấp, bề mặt khá nhỏ nên khi xe cộ lưu thông qua đây đông phải xếp hàng. Trước tình trạng này, người dân cũng than trời khi nguy cơ mất an toàn giao thông có thể tăng lên.

“Trước đây, khu vực này ít xe qua lại. Từ khi các tàu hàng dừng ở Ga Trảng Bom thì xe ô tô di chuyển qua đây rất nhiều. Xe cộ không chỉ chạy ban ngày mà còn cả ban đêm nên người dân rất lo lắng mỗi khi ra đường vì sợ không đảm bảo an toàn. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao, địa phương và lực lượng chức năng phải có biện pháp để đảm bảo cho việc đi lại của người dân” - ông Nguyễn Thanh Trí (ngụ ấp Quảng Phát, xã Quảng Tiến) nói.

 

Thanh Hải


 
 


 

Tin xem nhiều