Báo Đồng Nai điện tử
En

Tai nạn giao thông: Từ góc nhìn y tế

11:11, 12/11/2015

Có những người cuộc đời đang phơi phới, chỉ sau một vụ tai nạn giao thông đã ra người tàn phế. Cả phần đời còn lại của họ phải gắn với bệnh viện, bởi những tổn thương thân thể nặng nề. Tai nạn giao thông (TNGT), nỗi ám ảnh không chỉ với nạn nhân mà còn của gia đình và xã hội…

Bài 1:  Ray rứt những số phận…

Có những người cuộc đời đang phơi phới, chỉ sau một vụ tai nạn giao thông đã ra người tàn phế. Cả phần đời còn lại của họ phải gắn với bệnh viện, bởi những tổn thương thân thể nặng nề. Tai nạn giao thông (TNGT), nỗi ám ảnh không chỉ với nạn nhân mà còn của gia đình và xã hội…

*Ngõ cụt…

Nếu không gặp tai nạn thảm khốc hôm ấy, giờ này em Nguyễn Thanh Nam Trường (ở xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) vẫn còn đang ngồi trong lớp cùng bạn bè, thầy cô. Không ai có thể nghĩ em “qua khỏi” với tổn thương quá lớn này. Bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán – nơi đã cứu em qua cửa tử – cho biết: “Chúng tôi đã sốc, nhưng trong quá trình phẫu thuật, kíp mổ còn sốc hơn nữa khi biết được những tổn thương còn ghê gớm hơn nhiều so với đánh giá bên ngoài. Thú thực, chúng tôi nghĩ, dù có cứu được sự sống cho em, nhưng có lẽ suốt cuộc đời còn lại của em sẽ phải gắn liền với bệnh viện”. Cha mẹ em đã không còn nước mắt để khóc khi con mình giờ thành người “dở sống,  dở chết”…

Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Quân khi còn đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất
Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Quân khi còn đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất

Theo số liệu từ Ủy ban Quốc gia ATGT, 3 năm qua, Đồng Nai nằm trong số 21 tỉnh, thành giảm ở cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT và là 1 trong 3 tỉnh, thành có mức giảm trên 20%. Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn nằm trong top 10 tỉnh thành có số vụ TNGT cao nhất.

Nếu ai có dịp vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, đến các khoa ngoại thần kinh, khoa chấn thương chỉnh hình, không khó để thấy những hình cảnh bệnh nhân gãy tay, gãy chân, băng đầu, bó trán, mặt mũi sứt sẹo. Bà Nguyễn Thị Hiên, 51 tuổi (ngụ tại phường Long Bình, TP. Biên Hòa) đã hơn một tháng nay không rời Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Bà phải quen dần với một mớ dụng cụ y tế gắn trên người cô con gái Nguyễn Ngọc Thùy Linh, 22 tuổi. Nhìn Linh lúc này: đầu cạo trọc, mặt phù nề, đầy trầy xước, đôi mắt không thể mở ra được…, khó ai nhận ra vẻ đẹp thanh tú trước đây của Linh. Bà Hiên cho biết, con gái bà bị chấn thương sọ não do TNGT trong một lần đi công tác ở Nha Trang. Dù đã được phẫu thuật, nhưng cô sẽ phải sống đời thực vật. “Cuộc sống hiện giờ của mẹ con tôi chỉ biết trông nhờ từ thiện ở bệnh viện. Để chạy chữa cho con, tôi đã bán tất cả những gì có thể, nhưng con gái tôi vẫn chẳng biết ngày về”.

Trong căn nhà lá thấp tè ở xã Phước Bình (huyện Long Thành) người cha bệnh tai biến ngồi trên chiếc giường ọp ẹp phía trước. Phía sau, người con tên Nguyễn Ngọc Quân - sống đời thực vật sau một TNGT. Ông Nguyễn Văn Bé, người cha bị tai biến thều thào: “Khi chồng bị tai nạn, con dâu tôi đưa chồng về nhà tôi rồi bỏ đi biền biệt mấy năm nay. Trước, tôi khỏe còn làm nuôi nó, từ hôm bị tai biến, phải nhờ đến thằng con trai chăm cả cha lẫn em”.

*Quá tải với bệnh nhân TNGT

 Với những bác sĩ, điều dưỡng thường xuyên trực đêm ở khoa cấp cứu, tiếng còi xe cứu thương chở bệnh nhân bị TNGT vào viện là chuyện rất đỗi bình thường. Điều dưỡng Lý Thị Thảo ở khoa cấp cứu (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) chia sẻ: “Không cần phải chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng nơi hiện trường tai nạn, chỉ cần nhìn các nạn nhân lúc nhập viện cũng đủ cảm nhận được sự khủng khiếp của TNGT”.

TNGT khiến bệnh viện luôn quá tải, thầy thuốc luôn vất vả.
TNGT khiến bệnh viện luôn quá tải, thầy thuốc luôn vất vả.

Theo thống kê và phân tích các ca nhập viện trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 tại 2 Bệnh viện: đa khoa Đồng Nai và đa khoa Thống Nhất, khoa ngoại chấn thương chỉnh hình và ngoại thần kinh hầu như quá tải với bệnh nhân bị TNGT khi có đến 70% số bệnh nhân điều trị tại các khoa này do bị TNGT. 

Bác sĩ Lê Ngân, Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình nhận định: “Ngày trước những ca bệnh vào viện chủ yếu chỉ là gãy tay, gãy chân, trầy xước, nay phần lớn ca tổn thương nặng. Đặc biệt trong những ngày nghỉ, ngày lễ tết, công suất giường bệnh ở khoa này lên đến 130%”.

Còn tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bác sĩ Lê Văn Lương,        Trưởng khoa cấp cứu cho biết: “Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 50-70 ca cấp cứu, trong đó phần lớn do TNGT”. Theo bác sĩ Lương, hậu quả từ những vụ TNGT để lại rất lớn. Ngoài những tác động về sức khỏe, chi phí điều trị, nó còn gây tổn  thương tâm lý cho chính bản thân người bị nạn lẫn người thân. Nhiều gia đình đã khánh kiệt.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), một ca chấn thương sọ não nặng được cứu sống có chi phí tốn kém hơn gấp 13 lần so với một ca chấn thương thường. Thế nhưng, TNGT vẫn chưa là nỗi kinh hoàng của nhiều người bởi tình trạng coi thường tính mạng của mình và người khác khi không tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Phương Liễu 

Còn tiếp Bài 2:   Nón bảo hiểm, “bà đỡ” của những chấn thương đầu, mặt

 

 

 

 

Tin xem nhiều