Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn hóa giao thông thể hiện từ việc nhỏ nhất

09:12, 01/12/2014

Ngày 27-11, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã tổ chức hội thảo về văn hóa giao thông (VHGT) trên địa bàn Đồng Nai. Đã có nhiều tham luận của các ngành, trường học, các địa phương bàn về vấn đề này, lý giải và đưa ra các giải pháp thực hiện VHGT.

Ngày 27-11, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã tổ chức hội thảo về văn hóa giao thông (VHGT) trên địa bàn Đồng Nai. Đã có nhiều tham luận của các ngành, trường học, các địa phương bàn về vấn đề này, lý giải và đưa ra các giải pháp thực hiện VHGT. Trong đó nhiều ý kiến đề nghị việc thực hiện VHGT phải tiến hành lâu dài, bền vững, cả xã hội cùng tham gia…

Xe tải ben giành đường xe 2 bánh dù có dải phân cách ngăn chia làn xe ô tô và xe 2 bánh.
Xe tải ben giành đường xe 2 bánh dù có dải phân cách ngăn chia làn xe ô tô và xe 2 bánh.

VHGT nói một cách đơn giản, dễ hiểu là sự tự giác chấp hành pháp luật giao thông, là ứng xử có văn hóa khi đi đường hoặc khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông (TNGT)…

Trên thực tế, VHGT được thể hiện qua hành vi của người tham gia giao thông hàng ngày trên đường, bắt đầu từ việc nhỏ nhất như khẩu hiệu: “Nhường nhịn nhau khi đi đường là thể hiện VHGT”.

* Làm gương để giáo dục

VHGT được hình thành từ việc tuyên truyền, giáo dục. Đây là công việc lâu dài, đang được các ngành, các cấp thực hiện để ngày càng có nhiều người ứng xử có văn hóa khi đi đường.

Hiểu nôm na theo câu nói dân gian “Một sự nhịn, chín sự lành”, nếu người tham gia giao thông, người cầm lái nào cũng biết nhường nhịn khi đi đường sẽ kéo giảm được đáng kể TNGT.

Có thể nói, phương pháp giáo dục hiệu quả nhất là làm gương, như đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã nêu trong tham luận: “Đồng Nai là tỉnh có 2,3% dân số là đảng viên. Trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện VHGT là một trong những nội dung được đặt lên hàng đầu. Đảng viên luôn nêu cao ý thức chấp hành nghiêm pháp luật giao thông, tích cực tham gia xây dựng VHGT bằng hành động cụ thể, thiết thực. Đảng viên cần tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân nghiêm túc chấp hành pháp luật giao thông và nêu cao tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Mỗi đảng viên cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông, là lực lượng đi đầu góp phần quan trọng trong việc thực hiện VHGT”. Có thể suy rộng ra lực lượng cán bộ, công chức Nhà nước cần làm gương, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật giao thông khi tham gia giao thông. Đảng viên, cán bộ, công chức Nhà nước làm được như vậy thì người dân đi đường sẽ có những hình ảnh tốt đẹp ngay trước mắt để bắt chước làm theo.

Người chở hàng hóa cồng kềnh cần gắn dấu hiệu cảnh báo.
Người chở hàng hóa cồng kềnh cần gắn dấu hiệu cảnh báo.

Trong cả nước, với số lượng khoảng 2,5 triệu cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, hiện tại nếu đội ngũ này luôn gương mẫu chấp hành pháp luật, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông sẽ là những hình mẫu thực tế trước mắt để hàng chục triệu người dân, người đi đường làm theo.

* Nhường nhịn là văn hóa

Việc nhường nhịn khi đi đường cũng là cách thể hiện VHGT từ những hành vi nhỏ nhất.

Nếu các tài xế xe khách biết nhường nhịn, không phóng nhanh vượt ẩu để tranh giành khách thì đã có thể tránh được nhiều TNGT thảm khốc như đã xảy ra. Nếu các tài xế, chủ xe tải nói chung, xe tải ben nói riêng biết nhường nhịn, không tranh nhau chở quá tải để cạnh tranh không lành mạnh thì đường sá ít hư hỏng, không xảy ra những TNGT đau thương như đã và đang xảy ra. Nếu các tài xế ô tô con biết nhường nhịn, không phóng nhanh vượt ẩu để chứng tỏ xe “ngon”, có vị thế trong xã hội… thì đã không xảy ra những tai nạn đau lòng do “xe điên” gây ra. Nếu người lái xe 2 bánh biết nhường nhịn, không luồn lách, len lỏi vượt ẩu qua mặt cả ô tô, tranh giành đường với người cùng lưu thông thì tỷ lệ tai nạn do người đi xe 2 bánh gây ra không thể luôn chiếm tỷ lệ cao như hiện nay...

Xe tải mang biển số đỏ chở hàng hóa kém an toàn cũng là hành vi kém văn hóa giao thông.
Xe tải mang biển số đỏ chở hàng hóa kém an toàn cũng là hành vi kém văn hóa giao thông.

Bên cạnh đó, lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông cũng cần phải kiểm tra, xử lý kịp thời, công bằng để những người có VHGT, luôn nhường nhịn không bị thiệt thòi do những kẻ đi đường bất chấp pháp luật gây ra.

Đối với lực lượng thực thi công vụ, tham luận về VHGT của đại diện Trường đại học Cảnh sát nhân dân (TP.Hồ Chí Minh) có nêu: “Hơn 65 năm qua, kể từ khi thành lập, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã luôn tận tụy với Đảng, với nhân dân, đóng góp to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Phần đông chiến sĩ CSGT đã ứng xử tốt, biết tôn trọng, lễ phép và dựa vào dân để dân giúp đỡ hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CSGT vẫn còn tồn tại một số ít cá nhân chưa thực sự vì dân, còn xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của dân, có những hành động, lời nói thiếu văn hóa, cửa quyền, hách dịch… Bên cạnh đó, còn là sách nhiễu, đòi và nhận hối lộ. Đó là những biểu hiện của một lối sống thiếu văn hóa, tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp, đồng thời là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ chống lại lực lượng CSGT trong khi thi hành nhiệm vụ thời gian qua”.

Người đi đò đến sau nhưng lại vượt dây phân cách để chen lấn lên trước thể hiện sự kém văn hóa giao thông.
Người đi đò đến sau nhưng lại vượt dây phân cách để chen lấn lên trước thể hiện sự kém văn hóa giao thông.

Qua đó, có thể thấy lực lượng thực thi công vụ cũng cần ứng xử có văn hóa, thực hiện đúng tác phong điều lệnh khi tiếp xúc với người dân, khi xử lý tình huống thì mới khiến người vi phạm “tâm phục khẩu phục” mà chấp hành. Đó cũng là một cách thể hiện VHGT.

Thanh Toàn

 

Tin xem nhiều