Báo Đồng Nai điện tử
En

Tác động trực quan để tuân thủ pháp luật giao thông

11:04, 05/04/2014

Tình hình tai nạn giao thông(TNGT) ở Đồng Nai hiện rất phức tạp. Năm 2013, Đồng Nai kéo giảm sâu TNGT ở cả 3 mặt về số vụ, số người chết, số người bị thương.

Tình hình tai nạn giao thông(TNGT) ở Đồng Nai hiện rất phức tạp. Năm 2013, Đồng Nai kéo giảm sâu TNGT ở cả 3 mặt về số vụ, số người chết, số người bị thương. Nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, TNGT chỉ giảm nhẹ số vụ, số người bị thương, còn người chết lại tăng cao đến 35% (chết 162 người, tăng 42 người chết so với cùng kỳ năm 2013).

Theo thống kê, nguyên nhân gây TNGT do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông chiếm đến trên 98%. Điều này cho thấy ý thức của người đi đường trong việc tuân thủ pháp luật giao thông góp phần quyết định trong việc ngăn ngừa TNGT.

* Nhìn đâu cũng thấy vi phạm

Những quy định đơn giản, như: dừng lại khi đèn đỏ; đi đúng phần đường dành cho xe ô tô, hoặc mô tô; đi bộ qua đường đúng vạch; đậu đỗ xe đúng quy định; phải bật đèn báo hiệu khi quẹo (rẽ)… vẫn còn bị nhiều người đi đường vi phạm. Chẳng hạn, khi bạn đi xe hai bánh mà phía trước có người quẹo xe, hoặc tấp xe vào lề nhưng không mở đèn xi nhan báo trước thì rất dễ gây ra va quẹt, thậm chí xảy ra tai nạn nếu chạy với tốc độ nhanh. Tại các chốt đèn giao thông, trong khi mọi người dừng chờ đèn đỏ, vẫn có những người ngang nhiên vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm cho dòng xe đang chạy ở hướng đèn xanh. Vì sao người khác chấp hành dừng đèn đỏ để cho mình lưu thông khi đèn xanh, nhưng đến khi gặp đèn đỏ mình lại không chấp hành? Đó là câu hỏi dành cho những người thiếu ý thức khi tham gia giao thông cùng mọi người.

Không có cảnh sát giao thông kiểm tra, người lái ô tô, xe máy tha hồ vượt đèn đỏ (ảnh chụp tại đầu cầu Bửu Hòa, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa).Ảnh: S.Hoàn
Không có cảnh sát giao thông kiểm tra, người lái ô tô, xe máy tha hồ vượt đèn đỏ (ảnh chụp tại đầu cầu Bửu Hòa, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa).Ảnh: S.Hoàn

Sự vi phạm không chỉ xảy ra với các hành vi đơn giản, mà còn với những hành vi phức tạp, như việc chủ xe tải ben cho cơi nới thùng xe để chở quá tải, qua mặt cơ quan đăng kiểm, buộc tài xế phải điều khiển xe quá tải (nếu không sẽ cho tài xế nghỉ việc)...

Ban tổ chức cuộc thi “An toàn giao thông trên mọi nẻo đường” trên Báo Đồng Nai mong tiếp tục nhận được tác phẩm dự thi của bạn đọc cả nước để có những hiến kế sâu sắc, hiệu quả đối với công tác đảm bảo giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Thời hạn chót nhận bài dự thi giai đoạn II là ngày 31-8-2014.

Đây là sự vi phạm có chủ ý, có tính toán của những người kinh doanh xe tải nói chung, xe tải ben nói riêng. Họ vi phạm để được chở nhiều hơn, thu lợi nhuận nhiều hơn, bất kể những vi phạm đó gây ra nguy hiểm trực tiếp hoặc gián tiếp cho lưu thông. Như xe chở quá tải làm hệ thống thắng (phanh) kém hiệu lực, khi xảy ra sự cố hoặc đổ dốc xe không dừng ngay được mà còn lao tới gây tai nạn. Xe quá tải làm đường sá mau hư hỏng, mặt đường bị bong tróc tạo nên ổ gà, ổ voi, hoặc bị nén lại tạo nên gợn sóng (hoặc sống trâu), làm các phương tiện cùng lưu thông khác (nhất là xe hai bánh) dễ bị mất thăng bằng dẫn đến TNGT. Những TNGT có liên quan đến các “hung thần xa lộ” xe tải, xe ben, xe container… gần đây cho thấy hậu quả của các hành vi vi phạm phức tạp này.

Ở lĩnh vực xe ô tô chở khách cũng xảy ra các hành vi tương tự, như: nhồi nhét khách, chủ xe bắt tài xế quay vòng nhanh để chạy được nhiều “tua” nhằm thu lợi cao…, bất kể những hiểm nguy gây ra cho hành khách.

Có lẽ những người vi phạm cho rằng, TNGT chỉ xảy ra với ai đó, còn với mình nếu chưa xảy ra hậu quả gì (mặc kệ xảy ra với người khác) thì vẫn còn vi phạm. Với tâm lý không có lực lượng tuần tra kiểm soát thì không ai xử lý được mình, một số người đi đường vẫn cứ nghênh ngang lưu thông mà không thèm tuân thủ pháp luật giao thông.

* Tác động trực quan

Có thể nói, các cơ quan truyền thông (báo, đài) đã có nhiều chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT) trong nhiều năm qua. Văn phòng Ban ATGT tỉnh cũng thực hiện nhiều loại hình tuyên truyền, như: pa nô, áp phích, băng rôn, tờ bướm…, với nội dung vận động mọi người tuân thủ pháp luật giao thông. Đây là các cách tuyên truyền bằng trực quan sinh động có tác động nhất định đến người xem. Thế nhưng, muốn xem đài phải mở đúng giờ giấc, muốn xem báo phải tốn tiền mua, hoặc vào trang web; nội dung các pa nô, áp phích không cập nhật… Đó chính là những hạn chế trong việc tác động một cách rộng rãi vào mọi người của các phương tiện trên.

Ở một số đội cảnh sát giao thông cấp huyện có trưng bày bảng ảnh tai nạn giao thông, nhưng có ít người vi phạm (đến đội để được xử lý) vào xem.
Ở một số đội cảnh sát giao thông cấp huyện có trưng bày bảng ảnh tai nạn giao thông, nhưng có ít người vi phạm (đến đội để được xử lý) vào xem.

Để có thể tác động rộng rãi hơn, nên chăng Đồng Nai thành lập một tờ tin ảnh ATGT. Tờ tin ảnh này do báo Đảng địa phương phụ trách, xuất bản hàng tuần, hàng tháng, hàng quý. Với đội ngũ phóng viên sẵn có, trên đường đi tác nghiệp, phóng viên sẽ ghi lại những vi phạm của người đi đường, ở mọi loại phương tiện và cả lực lượng thực thi công vụ. Bên cạnh đó, còn có hình ảnh các vụ TNGT cho thấy hậu quả của việc vi phạm giao thông. Ngoài ra, còn có các hình ảnh thể hiện nội dung chấp hành pháp luật giao thông một cách dễ hiểu, dễ chấp hành.

Tờ tin ảnh này được Ban ATGT tỉnh tài trợ, in nhiều bản (càng nhiều càng rẻ) để có thể dán ở các nơi công cộng, như: chợ, trường học, bến xe, trạm dừng xe và đến tận các trụ sở ban ấp, khu phố, khu dân cư…

Với nội dung dễ hiểu, bằng hình ảnh trực quan không cần mở (mở ti vi, trang web), không cần mua (báo), có thể xem thấy bất cứ lúc nào, người xem có thể thấy rõ sự vi phạm và hậu quả của nó, hoặc hiểu pháp luật giao thông bằng hình ảnh. Tin rằng, tờ tin ảnh sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về pháp luật giao thông.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo quyết liệt, liên tục bằng các nghị quyết, chỉ thị nhằm để toàn xã hội chung tay kéo giảm TNGT, giảm bớt những đau thương mất mát do TNGT gây ra cho người dân, người đi đường. Qua đó, các cơ quan, đơn vị (nhất là cơ quan truyền thông) liên tục thông tin, tuyên truyền về pháp luật giao thông, hậu quả của TNGT… Kết quả, TNGT có giảm nhưng không bền vững, có lúc chỉ giảm số vụ, số người bị thương, nhưng số người chết lại tăng đáng ngại.

Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, việc chụp hình, ghi hình bằng điện thoại di động, máy chụp ảnh, quay phim cá nhân rất dễ thực hiện. Người dân có thể cộng tác hình ảnh với tờ tin ảnh ATGT và được trả công (nhuận ảnh) để khuyến khích họ tiếp tục cộng tác. Không phải lúc nào lực lượng tuần tra kiểm soát, phóng viên cũng có mặt trên đường. Những “tay máy nhân dân” có mặt trên mọi nẻo đường, bất cứ lúc nào và sẽ đóng góp tích cực cho nội dung của tờ tin ảnh ATGT. Làm như vậy, những người vi phạm không ngờ rằng dù không có lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường, họ vẫn bị ghi nhận bằng hình ảnh những hành vi vi phạm của họ. Khi việc đó được công khai, những người vi phạm pháp luật giao thông bị nêu ở nơi công cộng, thì tin chắc sẽ hạn chế được tình trạng người đi đường vi phạm phổ biến như hiện nay.

Bên cạnh đó, các buổi tuyên truyền pháp luật giao thông có kèm tờ tin ảnh ATGT minh họa, cùng với hình thức hỏi - đáp luật có thưởng sẽ thu hút nhiều người tham gia và có tác động rất hiệu quả.    

Bùi Sử Hoàn

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều